Cho tới sáng 6/11/2020 (giờ Việt Nam), cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang cho thấy kết quả giằng co giữa 2 ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Ông Joe Biden đang giành lợi thế nhất định khi dẫn trước về số phiếu đại cử tri đạt được và còn nhiều lá phiếu gửi qua đường bưu điện chưa được kiểm (mà số phiếu này có khả năng lớn nghiêng về phe Dân chủ của ông Biden).
Mặc dù vậy Tổng thống Trump tỏ ra không nao núng. Ông vẫn tuyên bố mình đã thắng và coi kết quả hiện nay là một sự “gian lận lớn đối với dân tộc”.
Hệ thống bầu cử 2 nấc
Sau cuộc bỏ phiếu ở mỗi bang của Mỹ sẽ có một cuộc bỏ phiếu thứ 2 do Đại cử tri đoàn tiến hành vào ngày 14/12. Mỗi bang phân bổ một số lượng “đại cử tri” dựa trên dân số của bang đó.
Mỗi ứng viên phải có được 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu đại cử tri thì mới có thể tuyên bố giành được chiến thắng. Các phiếu này được chính thức kiểm bởi một cuộc họp chung giữa Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào ngày 6/1 năm sau.
Vào ngày 8/12, các bang dự kiến sẽ phải đệ trình hết các đại cử tri được xác nhận của họ.
Tuy nhiên trong trường hợp kiểm phiếu kéo dài hoặc xảy ra kiện tụng pháp lý sau đó thì việc trên bị đình lại. Khi đó luật pháp liên bang cho phép cơ quan lập pháp của riêng mỗi bang có vấn đề đó họp và chỉ định một danh sách đại cử tri ngay trước ngày kiểm phiếu cuối cùng của Đại cử tri đoàn.
Ở đây có thể phát sinh tranh cãi nếu như cơ quan lập pháp lưỡng đảng của một bang nào đó lại đi bổ nhiệm một nhóm đại cử tri có thái độ ủng hộ ứng viên đã thua trong cuộc bầu của các cử tri phổ thông.
Nếu thống đốc và cơ quan lập pháp của một bang cụ thể bất đồng thì với việc thống đốc chính thức phê chuẩn danh sách đại cử tri, bang đó có thể sẽ đệ trình tới 2 danh sách đại cử tri khác nhau.
Các bang chiến địa như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, và Bắc Carolina đều có thống đốc thuộc phe Dân chủ và cơ quan lập pháp do phe Cộng hòa kiểm soát.
Khi gặp phải hai danh sách đại cử tri đối lập nhau từ cùng một bang, Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu để quyết định xem danh sách nào được chấp nhận. Trong trường hợp Thượng viện và Hạ viện bất đồng thì danh sách của thống đốc bang sẽ thắng thế, theo Đạo luật về Đại cử tri đoàn của nước Mỹ.
Việc kiểm phiếu đại cử tri sẽ được thực hiện bởi Quốc hội mới - cơ quan này sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1.
Một kịch bản khác là Phó Tổng thống Mike Pence của ông Trump, với tư cách Chủ tịch Thượng viện, có thể nỗ lực vứt bỏ các phiếu đại cử tri có tranh cãi nếu hai viện của quốc hội không đạt được sự nhất trí.
Trong trường hợp đó, Đạo luật trên không nêu rõ liệu một ứng viên nào đó phải cần ít nhất 270 phiếu (quá bán) hoặc đã đủ khả năng chiến thắng chỉ với các phiếu đại tri còn lại.
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có khả năng yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ giải quyết bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Kịch bản “bầu cử dự phòng” khi hai bên hòa tuyệt đối
Ngay cả sau khi phiếu đại cử tri đã được kiểm hết, vẫn có khả năng không xác định được tân tổng thống.
Nếu chẳng ứng viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri hoặc cả hai ứng viên cùng giành được 269 phiếu mỗi người, thì điều này sẽ kéo theo một cuộc “bầu cử dự phòng” dựa trên Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Mỹ. Lúc đó Hạ viện có trách nhiệm quyết định người đắc cử, còn Thượng viện lựa chọn Phó Tổng thống Mỹ.
Mỗi phái đoàn nghị sĩ của một bang trong Hạ viện được nhận một phiếu duy nhất.
Đến nay, phe Cộng hòa kiểm soát 26 trong tổng số 50 đoàn nghị sĩ bang, còn phe Dân chủ nắm 22 đoàn. Như vậy còn lại 2 đoàn, trong đó 1 đoàn được chia đều giữa 2 phe và 1 đoàn gồm 7 đảng viên Dân chủ, 6 đảng viên Cộng hòa, và một nghị sĩ tự do.
Một cuộc tranh chấp bầu cử tại Quốc hội Mỹ cần được giải quyết vào đúng thời hạn cuối cùng là ngày 20/1/2021, khi Hiến pháp quy định rằng nhiệm kỳ của tổng thống đương thời chấm dứt.
Nếu lúc đó Quốc hội Mỹ vẫn không tuyên bố được người trở thành tổng thống hay phó tổng thống mới thì theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Chủ tịch của Hạ viện (hiện nay là nghị sĩ Dân chủ của bang California, bà Nancy Pelosi), sẽ đóng vai trò quyền Tổng thống Mỹ./.
Theo VOV.VN