Đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19 hoành hành trở lại khiến nhiều quốc gia châu Âu lại phải thực thi những biện pháp ứng phó quyết liệt và buộc phải quan tâm hàng đầu tới việc ứng phó dịch bệnh thì khủng bố xuất hiện và ám ảnh châu lục.
Trước tiên ở Pháp và rồi sau đấy ở Áo. Hai nơi này nói riêng và châu Âu nói chung giờ phải trực diện thách thức kép.
Các quốc gia trên châu lục này đã hoàn toàn bị mất thế chủ động trong ứng phó dịch bệnh. Chiến lược của họ bây giờ đa phần là cầm cự cho tới khi có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Phong toả và cách ly xã hội được thực thi trở lại ở rất nhiều nơi nhưng việc khoanh vùng ổ dịch, truy vết lây nhiễm dịch bệnh và dập dịch triệt để thì giờ đã trở nên bất khả thi đối với đại đa số các nước trên châu lục này.
Đúng vào khi ở trong thảm trạng ấy, khủng bố lại xảy ra ở Pháp và Áo. Chính phủ Áo và Pháp xác định thủ phạm là những phần tử Hồi giáo cực đoan. Chính phủ cả hai nước này đều coi những hành động khủng bố ấy là lời tuyên chiến của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan với nước Pháp và nước Áo nói riêng cũng như với thế giới phương Tây nói chung và họ đồng thời cũng gián tiếp tuyên chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Hoạt động khủng bố của những phần tử, tổ chức và lực lượng Hồi giáo cực đoan ở các nước châu Âu tuy chỉ với quy mô nhỏ nhưng tác động về chính trị an ninh và tâm lý lại rất lớn và rất tai hại. Châu Âu lại phải quan tâm thoả đáng đến chuyện chống khủng bố nói chung và đối phó chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nói chung. Châu Âu lại phải lưu tâm đến việc xử lý ổn thoả mọi vấn đề liên quan đến đạo Hồi về chính trị, xã hội cũng như tôn giáo. Châu Âu bị đẩy vào tình thế luôn luôn phải sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó nguy cơ bị tấn công khủng bố.
Việc tìm kiếm nguyên nhân không dễ dàng chút nào bởi có nguyên nhân nội sinh ở bên trong các nước châu Âu và có nguyên nhân là tác động trực tiếp của thời cuộc bên ngoài. Các lực lượng, tổ chức và phần tử khủng bố và theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bị đánh cho tơi tả và bật ra khỏi vùng thánh địa lâu nay của chúng là vùng Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh nên len lỏi sang các khu vực khác trên thế giới. Hiện tượng cực đoan hoá trong cộng đồng người theo đạo Hồi trên thế giới đã xuất hiện từ khá lâu nay và trở thành chiều hướng diễn biến được củng cố. Chiến tranh và nội chiến ở Afghanistan, Syria, Libya, Iraq, Yemen,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trỗi dậy mạnh mẽ. Cuộc đối kháng trên phương diện ý thức hệ giữa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các nước thuộc khối phương Tây, thậm chí còn cả giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo trở nên ngày càng thêm quyết liệt và công khai.
Nguyên nhân cũng còn ở trong xã hội và trên chính trường các nước châu Âu. Ở các nước châu Âu hiện có cộng đồng không hề nhỏ người theo đạo Hồi. Không phải ở nơi đâu trên châu lục cũng đều có tình trạng không phân biệt đối xử giữa người bản địa và người nước ngoài, giữa các tôn giáo với đạo Hồi cũng như có sự phân biệt rạch ròi giữa đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Không ít nơi trên châu lục này không chú ý thoả đáng, nếu như không muốn nói là bất chấp tính nhạy cảm của các giá trị tín ngưỡng đối với người theo đạo Hồi.
Khủng bố và dịch bệnh hiện đe doạ trực tiếp an ninh và ổn định chính trị xã hội ở các nước châu Âu. Để khắc phục thách thức này, từng nước trên châu lục phải có đối sách thích hợp riêng nhưng đồng thời cả châu lục phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động, kiên quyết chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đồng thời với việc dung hoà và hài hoà các tôn giáo khác nhau. Phải chống khủng bố hiệu quả thì mới có thể đối phó thành công dịch bệnh./.
Hoàng Lan