Bầu cử sớm ở Mỹ tiếp tục diễn ra sôi động. Đã có hơn 41 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu qua thư hoặc đến các điểm bỏ phiếu bầu trực tiếp, một con số cao kỷ lục cho thấy sự quan tâm lớn của cử tri trước các vấn đề của nước Mỹ và thế giới. Hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden sáng mai (theo giờ Hà Nội) sẽ có phiên tranh luận cuối cùng trước thềm Ngày bầu cử 3/11.
Hôm qua, tại Wisconsin, bang Utah, cử tri đã bất chấp thời tiết âm 1 độ C đứng xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu và có nơi người dân chờ tới 1 tiếng mới bỏ được phiếu. Tại Santa Ana, California các nhân viên bầu cử rất bận rộn xử lý, scan hàng nghìn lá phiếu đã được cử tri đi bầu sớm.
Ông Neal Kelley, người đứng đầu đơn vị bầu cử ở hạt Orange cho biết: “Tôi đã tham gia công tác bầu cử trong 5 đợt bầu cử và năm nay là cuộc bầu cử mà tôi phải bỏ công sức nhiều nhất. Năm 2008 đã khá vất vả nhưng năm nay tình hình còn khác xa. Hôm 5/10, chúng tôi đã gửi qua thư lá phiếu cho 1,7 triệu cử tri, để cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trong vài tuần và nay đã có tỷ lệ đi bầu cao lịch sử. Chúng tôi đã nhận lại hàng chục nghìn lá phiếu và thực sự là cao hơn 4 lần so với bầu cử năm 2016”.
Trên toàn nước Mỹ, hàng triệu lá phiếu bầu qua thư đã được giới chức bầu cử cấp quận và hạt tiếp nhận. Mỗi lá phiếu sẽ được kiểm tra để đảm bảo có đủ chữ ký. Bỏ phiếu qua thư và sử dụng kỹ thuật số trong việc thu thập lá phiếu vẫn là vấn đề tranh cãi giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đảng Cộng hòa vẫn tìm cách hạn chế bầu qua thư, khuyến khích người ủng hộ đi bầu trực tiếp ở một số bang. Còn đảng Dân chủ luôn thúc giục cử tri nên đi bỏ phiếu sớm tại những bang cho phép việc này vì đại dịch Covid-19 và cũng để phòng ngừa khả năng phải xếp hàng lâu chờ đợi trong ngày bầu cử chính thức 3/11.
Nhận định cuộc bầu cử năm nay có những yếu tố khác biệt và gây tranh cãi, giới chức thành phố New York hôm qua thông báo từ ngày 26/10 (tức 8 ngày trước Ngày bầu cử 3/11), họ sẽ triển khai thêm hàng trăm cảnh sát mặc đồng phục để tăng cường an ninh, đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.
Trên mặt trận vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump tiếp tục dùng quân bài kinh tế để đấu với đối thủ Joe Biden. Tại cuộc vận động tranh cử ở bang chiến địa Pennsylvania, ông nói với người ủng hộ rằng, ông cần nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng để đảm bảo cho nước Mỹ phục hồi thành công từ đại dịch. Ông cảnh báo đối thủ Joe Biden sẽ phá hủy ngành năng lượng của bang và làm mất đi việc làm ở ngành sản xuất của bang này.
“Đây là cuộc bầu cử giữa tôi người sẽ giúp nước Mỹ siêu phục hồi và ông Baiđơn, người sẽ làm cho kinh tế suy thoái, nếu ông Biden thắng cử, đất ước sẽ suy thoái mà quý vị chưa từng thấy. Ông Biden nếu đắc cử sẽ tăng gấp đôi, gấp 3, gấp 4 tiền thuế của bạn”, Tổng thống Trump nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là cách xử lý của Tổng thống với đại dịch Covid-19 (dịch bệnh cướp đi sinh mạng của 220.000 dân Mỹ và làm mất đi hàng triệu việc làm) đã ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tái đắc cử của ông.
Ông Joe Biden chỉ trích Tổng thống Donald Trump thất bại trong ứng phó với đại dịch và vội vãi mở cửa nền kinh tế quá sớm cũng như coi thường các biện pháp an toàn như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã “tiếp sức” cho ứng viên đảng Dân chủ khi lần đầu tiên xuất hiện trong chiến dịch vận động tranh cử cho ông Joe Biden tại sự kiện được tổ chức ở bang chiến địa Pennsylvania.
Cựu tổng thống Obama nói: “Chúng ta không thể chịu đựng thêm 4 năm nữa với tình hình như thế này. Tôi tin tưởng vào ông Joe Biden và bà Kamala Harris cùng các trợ lý xung quanh, những người rất nghiêm túc, biết cần phải làm gì và họ sẽ đại diện cho người dân, chứ không phải một bộ phận nào đó. Chúng ta đang ở tình thế khó khăn như quý vị thấy, đó là đại dịch. Đối phó với đại dịch sẽ là khó khăn với bất kỳ tổng thống nào”.
Các cuộc thăm dò đều cho thấy, tỷ lệ cử tri Mỹ đặt niềm tin vào ông Biden cao hơn Tổng thống Donald Trump trong vấn đề chống dịch bệnh. Riêng ở Pennsylvania, Tổng thống đã bứt phá, thu hẹp khoảng cách chênh lệnh với đối thủ so với 1 tuần trước.
2 ứng cử viên sẽ bước vào cuộc tranh luận thứ hai và là cuối cùng. Đây sẽ là cơ hội vàng cho Tổng thống đảng Cộng hòa thay đổi chiều hướng của cuộc đua. Cuộc tranh luận tổng thống sẽ được tổ chức tại Đại học Belmont, Ashville (bang Tennessee) với chủ đề chính là ứng phó với Covid-19, vấn đề chủng tộc, biến đổi khí hậu, anh ninh quốc gia. Những tuần lễ cuối cùng cho tới Ngày Bầu cử chính thức 3/11 được dự báo sẽ tạo nhiều cơ hội và bất ngờ cho cả 2 ứng cử viên./.
Trần Nga/VOV1