Làn sóng dịch bệnh mới ở châu Âu

Trong những ngày vừa qua, khoảng một phần ba số lượng ca lây nhiễm dịch bệnh mới hằng ngày trên toàn thế giới thuộc về các nước châu Âu.

 

Tình hình diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 hiện tại ở châu Âu đưa lại bằng chứng cho thấy châu lục chưa hết thất bại trong ứng phó làn sóng dịch bệnh thứ nhất thì nay đã phải trực diện với làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Trong những ngày vừa qua, khoảng một phần ba số lượng ca lây nhiễm dịch bệnh mới hàng ngày trên toàn thế giới thuộc về các nước châu Âu. Lại cách ly xã hội và giãn cách xã hội. Lại xuất hiện những ổ dịch mới. Ngoài nước Nga tuyên bố đã có vaccine phòng ngừa dịch bệnh ra, chưa ở đâu khác trên châu lục có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh và cũng không ai biết chắc đến khi nào thì quốc gia nào nữa trên châu lục có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Vaccine phòng ngừa dịch bệnh của Nga bị các nước thành viên EU hoài nghi về công năng tới mức không coi đấy là một vaccine phòng ngừa dịch bệnh thực thụ.

Việc truy lùng tận gốc dấu vết của chuỗi lây nhiễm dịch bệnh chỉ được rất ít quốc gia châu Âu tiến hành. Hà Lan là một trong số ít quốc gia ấy nhưng hiện tại cũng đã buộc phải ngừng tiếp tục làm việc này vì bị quá tải, cụ thể là số ca lây nhiễm mới tăng nhanh và mạnh đến mức không còn có thể truy vết được hết và thật sự triệt để nữa.

Số ca mới bị lây nhiễm dịch bệnh ở các nước châu Âu tăng nhanh và mạnh. (Ảnh: KT)

Vì sao các nước châu Âu bây giờ nên nông nỗi ấy? Nguyên nhân chính nằm ở hai phương diện là chính trị và xã hội.

Một đặc thù lớn ở châu Âu là mạng lưới đường biên giới quốc gia vừa rất dài lại vừa chằng chịt với nhau. Tự do đi lại trên châu lục và xuất cảnh, nhập cảnh ra vào các quốc gia được người dân đề cao như một quyền tự do cơ bản. Nếu châu lục không bị dịch bệnh hoành hành thì không sao. Nhưng chỉ cần một vài nơi trên châu lục trở thành ổ dịch bệnh mà chuyện đi lại thông thương của người dân vẫn y nguyên hoặc được đòi hỏi không hề thay đổi gì thì đâu có khác nào vạch đường chỉ lối cho dịch bệnh lây lan. Ở châu Âu, sự thống nhất nhận thức và quan điểm cũng như phối hợp hành động trong ứng phó dịch bệnh là một trong những nhân tố quyết định thành công của công cuộc ứng phó dịch bệnh trong phạm vi lãnh thổ quốc gia cũng như trên toàn châu lục. Cho tới nay, các nước trên châu lục không làm được việc này và EU cũng không điều phối được việc này hay đóng được vai trò quyết định nhất trong việc này.

Ở trong khuôn khổ phạm vi của quốc gia cũng có tình trạng chính quyền địa phương bất đồng quan điểm với chính phủ trung ương và mạnh ai nấy làm. Nước Đức có thể được đưa ra ở đây làm ví dụ điển hình. Nước Đức có 16 bang và mỗi bang có đối sách khác nhau ứng phó với dịch bệnh. Ở nhiều nước châu Âu, biện pháp chính sách của chính phủ trung ương đúng đắn nhưng lại không được triển khai cụ thể và triệt để đủ mức ở các địa phương hoặc ở không ít nơi biện pháp đúng đắn cần thiết của chính quyền địa phương lại không được chính quyền trung ương chấp nhận và ủng hộ.

Số ca mới bị lây nhiễm dịch bệnh ở các nước châu Âu tăng nhanh và mạnh có thể còn có cả lý do ở chỗ càng tiến hành xét nghiệm nhiều thì càng phát hiện thêm nhiều người bị lây nhiễm dịch bệnh. Nhưng điều châu Âu hiện tại không còn có thể phủ nhận được nữa là làn sóng dịch bệnh thứ hai đã bùng phát trên châu lục. Cách hành xử của người dân trong thời buổi dịch bệnh góp phần đáng kể vào việc làm cho làn sóng dịch bệnh thứ hai trỗi dậy ở châu Âu. Thực tiễn đối phó dịch bệnh từ gần 10 tháng nay trên thế giới cho thấy cách ly xã hội, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người... là những biện pháp vô cùng đắc dụng. Người dân đóng vai trò quyết định không kém chính phủ trong chuyện ứng phó dịch bệnh. Cho nên nếu cả phía chính trị lẫn phía xã hội ở tất cả các nước châu Âu không thay đổi nhận thức và hành động thì châu lục này chưa biết đến khi nào mới thoát ra khỏi dịch bệnh./. 

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận