Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng bắn: Lạc quan thận trọng

Lệnh ngừng bắn được đưa ra, sau 10 giờ đàm phán tại Moscow giữa Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan và Armenia với trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov.

 

Sau gần 2 tuần giao tranh khốc liệt, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh kể từ cuối tuần qua, để trao đổi tù nhân và thi thể của những người thiệt mạng. Lệnh ngừng bắn này được đưa ra, sau 10 giờ đàm phán tại Moscow giữa Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan và Armenia với trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov.

Các bên cũng đã nhất trí bắt đầu "các cuộc đàm phán thực chất" nhằm đạt được một giải pháp hòa bình sớm nhất có thể, với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Đây thực sự là sự kiện rất quan trọng để bước đầu giải quyết tình hình bất ổn ở vùng Kavkaz.

Armenia và Azerbaijan tiếp tục cáo buộc nhau tiến hành các cuộc tấn công mới sau lệnh ngừng bắn. Ảnh: Sputnik.

Bước tiến tích cực

Lệnh ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh đã chính thức có hiệu lực vào trưa 10/10 (giờ địa phương), tức khoảng 15h chiều cùng ngày (giờ Việt Nam), theo một thỏa thuận giữa Armenia và Azerbaijan, với vai trò trung gian của Nga, trước hết có ý nghĩa về mặt nhân đạo. Armenia và Azerbaijan sẽ tiến hành trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa hai bên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người giữ vai trò trung gian trong cuộc đàm phán cũng đã cho biết, Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo. Ông Lavrov cho rằng, Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế sẽ hỗ trợ thực hiện lệnh ngừng bắn này.

Cuộc đàm phán tại Moscow là cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan kể từ khi tái bùng phát giao tranh tại Nagorno-Karabakh. Hiện chưa rõ lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhưng điều đáng quan tâm là các bên đã nhất trí bắt đầu "các cuộc đàm phán thực chất" nhằm đạt được một giải pháp hòa bình sớm nhất có thể, với sự trung gian của Nhóm Minsk OSCE gồm Nga, Mỹ và Pháp.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin diễn ra hôm 10/10, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kết quả đạt được của các cuộc tham vấn ba bên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Nga-Azerbaijan và Armenia và việc khởi động quá trình đàm phán. Nhà lãnh đạo Iran quan tâm tình hình, bởi nước này có chung đường biên giới với cả Azerbaijan và Armenia.

Vai trò của Nga trong hạ nhiệt xung đột

Nga đã, đang và sẽ nỗ lực duy trì vai trò và tầm ảnh hưởng của mình ở các nước trong không gian hậu Xô viết. Ở Armenia, Nga có căn cứ quân sự. Nga và Armenia đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể. Hai nước đều là thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu. Đồng thời, Nga có quan hệ chặt chẽ với Azerbaizan về kinh tế- thương mại, văn hóa và lịch sử truyền thống.

Ngay từ khi xảy ra leo thang căng thẳng ở Nagorno-Karabakh, Nga ở nhiều cấp khác nhau đã nhiều lần kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh. Thỏa thuận đạt được giữa hai bên về lệnh ngừng bắn là nhờ sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin-mời hai ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia đến Nga để tham vấn, với sự trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Nga.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lưu ý rằng, nhà lãnh đạo Nga đã làm việc rất căng thẳng và đã có hàng loạt cuộc điện đàm với các đồng nghiệp từ Baku và Yerevan. Tất cả nỗ lực của Nga là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết cuộc xung đột bằng con đường hòa bình, chính trị-ngoại giao.

Đại sứ của Baku Polad Bulbul oglu tại Nga đánh giá rằng, vai trò của Nga trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh là “công bằng và cân bằng”. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Moscow vì "sự khôn ngoan được thể hiện và sự trung lập về chính trị", đồng thời lưu ý rằng điều này "có lợi cho một nhà nước vĩ đại có trách nhiệm." Đại sứ đánh giá cao vị thế của Nga, quốc gia được coi là quốc gia quan trọng trong khu vực và Azerbaijan gắn kết với Nga bởi một lịch sử chung. Đại sứ Bulbul oglu cũng nhắc nhớ rằng, Nga là một trong những quốc gia đồng chủ trì Nhóm OSCE Minsk và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan cũng ghi nhận vai trò đặc biệt của Nga trong việc đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn trên lãnh thổ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh chưa được công nhận.Theo ông, “khôi phục được chế độ ngừng bắn nhờ vào sự tham gia của các đồng chủ tịch, phiên làm chủ tịch của Nga, với sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác khác: Pháp và Mỹ.”

Chủ tịch OSCE, Thủ tướng Albania Edi Rama cũng ca ngợi nỗ lực của Moscow trong việc giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Điều này đã được nêu trong tuyên bố ngày 10/10 của bộ phận báo chí OSCE. Tổ chức này lưu ý, "sự kiện này diễn ra theo lời kêu gọi của Tổng thống Nga Vladimir Putin và phù hợp với thỏa thuận giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan".

Các bên cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn

Mặc dù lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực từ trưa 10/10, nhưng sau đó chỉ khoảng nửa giờ, các lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp tục cáo buộc nhau tiến hành các cuộc tấn công mới.

Như trong thỏa thuận giữa các bên đưa ra sáng sớm 10/10, thì lệnh ngừng bắn mới chỉ là tạm thời, các bên đã nhất trí bắt đầu "các cuộc đàm phán thực chất" nhằm đạt được một giải pháp hòa bình sớm nhất có thể, với sự trung gian của Nhóm Minsk OSCE gồm Nga, Mỹ và Pháp.

Theo tờ tin Nga vesti.ru, tại Brussels, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất cho cuộc họp của 27 Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên EU. Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào hôm nay (12/10) để thảo luận về kết quả của cuộc họp tại thủ đô Moscow, Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan sẽ lại đến Moscow vào thứ Hai để tham gia một cuộc họp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Nga đã được lên kế hoạch.

Tranh chấp chủ quyền ở khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đã kéo dài suốt 30 năm qua. Leo thang giao tranh tại Nagorno-Karabakh từ ngày 27/9 vừa qua được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ sau cuộc chiến năm 1991-1994 giữa Armenia và Azerbaijan từng khiến 30.000 người thiệt mạng và mới chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn bị các bên vi phạm nhiều lần.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev từ khi bùng phát căng thẳng tại khu vực này, liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn rằng sẽ không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền và các quốc gia khác cũng không thể làm lung lay quan điểm của nước này trong vấn đề Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định, Armenia đã sẵn sàng cho những nhượng bộ chỉ khi phía Azerbaijan làm điều tương tự. Do đó, đi đến giải pháp cuối cùng cho vấn đề này chắc hẳn không hề đơn giản./.

Anh Tú/VOV-Moscow

 

Bình luận

    Chưa có bình luận