Tổng thống Trump mắc Covid-19 có tác động thế nào đến nước Mỹ?

Việc ông Trump mắc Covid-19 một lần nữa cho thấy, vấn đề sức khỏe của Tổng thống Mỹ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn cầu bởi những tác động mà nó tạo ra.

 

Ngay vào thời điểm cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ đang ở giai đoạn quan trọng nhất, tin tức chấn động mà giới truyền thông gọi là “Bất ngờ tháng 10” đã xảy ra: “Tổng thống Donald Trump và phu nhân mắc Covid-19”.

Thông tin này không chỉ làm đảo lộn chiến dịch tranh cử của ông Trump, khiến cử tri Mỹ hoang mang, làm cuộc đua Tổng thống trở nên khó đoán định mà còn làm cho thị trường toàn cầu phải nín thở.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Hệ thống chăm sóc sức khỏe Tổng thống tại Mỹ

Về cơ chế, mọi thông tin liên quan tới sức khỏe của Tổng thống Mỹ sẽ do Nhà Trắng cung cấp qua thông cáo báo chí. Kể từ khi được đưa vào điều trị tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed (Walter Reed) vào chiều tối 2/10, thông tin về sức khỏe của Tổng thống Mỹ được cả Nhà Trắng, mà cụ thể là Chánh Văn phòng Mark Meadows và Đội ngũ y tế chịu trách nhiệm điều trị cho ông Donald Trump cung cấp thông qua cuộc họp báo hàng ngày.

Tại cuộc họp báo trưa 4/10, Tiến sĩ Sean Conley, Bác sĩ của Tổng thống Donald Trump, đã giải đáp thắc mắc của phóng viên về một số thông tin “chưa thống nhất” liên quan tới sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng hai ngày qua. Bác sĩ Conley cho biết, ông và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Meadows thường xuyên trao đổi và là hai người chịu trách nhiệm cuối cùng để cung cấp thông tin về sức khỏe của Tổng thống Donald Trump. Việc còn có một số thông tin chưa thống nhất có thể là do cách diễn đạt hoặc tiếp nhận thông tin của truyền thông và công chúng Mỹ.

Việc chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống Mỹ do đội ngũ y tế của Nhà Trắng đảm nhiệm, trong đó Tiến sĩ Conley là bác sĩ chính của ông Donald Trump. Định kỳ, ông Donald Trump được đưa vào Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed để kiểm tra và đánh giá sức khỏe toàn diện tại đây.

Về phần mình, cá nhân Tổng thống Trump cũng rất chủ động thông báo tình hình sức khoẻ bản thân, Trong động thái mới nhất, ông đã đăng tải một đoạn video từ phòng bệnh, thông tin về tình hình sức khỏe của mình. Dù xuất hiện với một vẻ ngoài khá mệt mỏi, ông Trump vẫn tin mình sớm trở lại: “Khi mới đến, tôi cảm thấy không tốt cho lắm. Nhưng giờ đây, tôi thấy khá hơn nhiều. Tất cả chúng ta đang làm việc chăm chỉ để tôi có thể sớm quay trở lại. Tôi phải trở lại vì chúng ta vẫn thực hiện nhiệm vụ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Chúng ta đã và đang thực hiện rất tốt công việc đó, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ quay lại sớm”.

Những tác động thực tế

Đáng chú ý, các tuyên bố của cả Tổng thống Donald Trump và Bác sĩ Nhà Trắng được đưa ra cấp tập trong bối cảnh những ngày qua đã có những đánh giá khác nhau về sức khỏe của Tổng thống. Nổi bật là đánh giá kém lạc quan của Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows rằng,“48 giờ tới sẽ là thời điểm rất quan trọng và vẫn chưa có lộ trình phục hồi hoàn hoàn một cách rõ ràng”. Những thông tin trái chiều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Đâu mới là thực tế tình hình sức khỏe của Tổng thống Trump hiện nay?.

Dù vậy theo truyền thông quốc tế, nếu như ông Trump và đội ngũ của ông không tiết lộ chi tiết về bệnh tình hiện nay thì đây cũng không phải là điều gì xa lạ. Bởi ông Trump không phải là vị Tổng thống đầu tiên giữ các bí mật về sức khỏe trong lịch sử nước Mỹ:

Năm 1813, Tổng thống Mỹ khi đó là James Madison đã gửi một bức thư khẩn đến các thành viên Quốc hội để thông báo trì hoãn về một cuộc gặp đã dự kiến. Lý do đơn giản chỉ là chưa sắp xếp được chứ không có chi tiết nào liên quan đến căn bệnh đường ruột cấp tính đang diễn biến nặng. May mắn là sau đó, ông Madison đã bình phục sau khi che giấu thành công bệnh tật của mình.

Một nỗ lực khác để giữ bí mật về bệnh tật của mình là Tổng thống Grover Cleveland. Năm 1893, ông Cleveland được chẩn đoán bị ung thư vòm miệng ác tính. Nhưng tránh làm chấn động người dân, Tổng thống đã chấp nhận kế hoạch khá nhiều nguy cơ. Đó là một cuộc phẫu thuật được thực hiện trên một du thuyền chỉ có vài người như bác sĩ, thư ký riêng Tổng thống được biết cùng cam kết giữ bí mật.

Năm 1919, Tổng thống Mỹ khi đó là Woodrow Wilson bị nhiễm dịch cúm chết người còn gọi là “Cúm Tây Ban Nha” khi đang ở thăm Pháp. Thời điểm đó, chính quyền Wilson nói với báo giới rằng, Tổng thống đơn giản bị cảm do dính mưa. Cuối năm 1919, ông Wilson còn bị đột quỵ do suy nhược. Tuy nhiên, sự việc được giữ kín và ông Wilson vẫn tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống cho đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 1921.

Một ví dụ khác là Tổng thống Franklin Roosevelt dù bị bại liệt nhưng đã cố gắng che giấu việc phải di chuyển bằng xe lăn và nạng. Hay Tổng thống John Kennedy đã mắc nhiều bệnh khác nhau như viêm đường ruột, suy thượng thận... nhưng nhiều năm sau khi ông qua đời, các căn bệnh này mới được công khai do ông Kennedy tâm niệm rằng, việc không công khai bệnh tật và vấn đề cá nhân là điều cần thiết.

Dấu ấn lịch sử nữa là ngày 30/3/1981 là ngày định mệnh đối với vị Tổng thống thứ 40 của nước Mỹ Ronald Reagan khi ông trở thành mục tiêu ám sát ở Washington DC. Nhưng phải đến 30 năm sau, công chúng mới biết về việc ông Reagan đã cận kề cái chết như thế nào.

Đến thời điểm này, Tổng thống Donald Trump không phải là lãnh đạo duy nhất mắc Covid-19. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hay Tổng thống Belarus Lukashenko... đều được xác nhận mắc Covid-19.

Dù đã được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nghiêm ngặt nhưng SARS-CoV-2 âm thầm vượt qua những rào chắn, tấn công các nhà lãnh đạo. Điều đó ảnh hưởng lớn tới việc điều hành đất nước, gây nên những luồng dư luận trái chiều về tương lai chính trị những cá nhân này hay về cách thức quản lý dịch bệnh và tương lai đất nước. Riêng đối với nước Mỹ, từ góc độ nghiên cứu, ông Justin Levitt, chuyên gia Luật bầu cử, Trường Luật LMU Loyola phân tích: “Tôi nghĩ rằng người Mỹ nên quan tâm đúng mức đến những yếu tố gây nhiễu, sự kích động hay lo lắng về quá trình bầu cử hơn là một kế hoạch kế vị như thế nào. Thực sự chính phủ đã có một dự kiến kế hoạch nghiêm ngặt không phải bàn cãi, bao gồm một danh sách dài danh sách những người đủ điều kiện trở thành Tổng thống, trong trường hợp Tổng thống mất khả năng lao động, thậm chí là qua đời. Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng hiện nay là những xáo trộn đang diễn ra ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử? Bởi sự kiện này có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người để bỏ phiếu cho một ứng viên nào đó. Môi trường bầu cử đang bị tác động mạnh mẽ bởi sự kiện này”.

Rõ ràng, yếu tố sức khỏe của Tổng thống và quan trọng hơn là cách thức thông tin về vấn đề nhạy cảm này đều có các tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị Mỹ.

Tương lai bầu cử Mỹ khó đoán định

Tại cuộc họp báo diễn ra vào nửa đêm qua (theo giờ Hà Nội), đội ngũ y tế cho biết nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục cảm thấy sức khỏe ổn định như trong ngày 4/10, ông có thể xuất viện sớm nhất là ngày 5/10 (theo giờ địa phương) để trở về Nhà Trắng song sẽ tiếp tục quá trình điều trị tại đây.

Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người được xác định mắc Covid-19 cần phải cách ly 14 ngày. Như vậy, cuộc tranh luận Tổng thống trực tiếp thứ hai đã được lên kế hoạch vào ngày 15/10 cũng vừa hết thời gian cách ly theo khuyến cáo của CDC. Giới quan sát cho rằng, kể cả sức khỏe tiến triển tốt như thông báo của đội ngũ y tế, chưa có gì đảm bảo ông Donald Trump có thể tham gia cuộc tranh luận thứ hai, dù diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào.

Trước đó, ngày 2/10, Giám đốc Chiến dịch tranh cử Bill Stepien thông báo tất cả các sự kiện tranh cử liên quan tới ông Donald Trump sẽ tạm thời bị hoãn hoặc diễn tra trực tuyến. Việc phải tiếp tục cách ly và chữa trị sẽ khiến Tổng thống Donald Trump không thể tiến hành các cuộc mít tinh vận động tranh cử cũng như các hoạt động gây quỹ, vốn là sở trường của ông. Quan trọng hơn, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố là nước Mỹ sắp “vượt qua” đại dịch Covid-19 nhưng giờ đây chính ông lại mắc bệnh nên sẽ khiến cử tri Mỹ quan ngại và nghi ngờ. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ gây bất lợi nhất định cho nỗ lực tái cử của ông Donald Trump, nhất là trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ đến ngày bầu cử).

Dù vậy, vào lúc này, mọi kịch bản và dự đoán đều chưa thể chắc chắn. Tất cả còn đang phụ thuộc vào yếu tố mà không ai có thể lường trước, đó là diễn tiến sức khỏe của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là khi ông Trump thuộc nhóm có nguy cơ cao khi ở độ tuổi 74 và thừa cân. Người ta thậm chí đã bàn tới kịch bản bầu cử Tổng thống Mỹ không có ông Trump. Chưa biết sẽ còn điều gì bất ngờ xảy ra trong tháng 10 này, liệu ôngTrump có thể biến bất lợi thành vũ khí hay không? Chỉ biết rằng, đến lúc này, Tổng thống Trump một lần nữa đã ghi thêm một dấu mốc vào lịch sử bầu cử Mỹ như một trong những ứng cử viên Tổng thống luôn đem đến những yếu tố khó lường nhất, bất ngờ nhất và tác động mạnh mẽ nhất./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận