EU thông qua gói tài chính cứu trợ ứng phó dịch bệnh

EU làm nên kỷ lục mới về thời gian diễn ra cuộc gặp cấp cao và về khối lượng tiền bạc được đưa ra để phân chia, cụ thể gồm 750 tỷ euro…

 

Kết quả của hội nghị cấp cao vừa rồi của EU được giới chức lãnh đạo EU đánh giá là có ý nghĩa lịch sử và bản thân sự kiện này cũng được họ coi là sự kiện lịch sử.

Thực tế có đúng như vậy hay không và có xứng đáng được đánh giá như thế hay không tuỳ thuộc vào phán xử của hậu thế. Điều hiện có thể chắc chắn được là EU đã chính thức có bước đi lịch sử với việc lần đầu tiên liên minh trở thành con nợ và khác biệt cơ bản so với trước trên phương diện này. Tại cuộc gặp cấp cao này, EU làm nên hai kỷ lục mới về thời gian diễn ra cuộc gặp cấp cao (4 ngày 4 đêm) và về khối lượng tiền bạc được đưa ra để phân chia, cụ thể bao gồm 750 tỷ Euro cho việc phát triển kinh tế xã hội ở thời chung sống với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, 540 tỷ Euro cho việc đối phó dịch bệnh và phân bổ tài chính ngân sách 1.074 tỷ Euro cho thời gian 2021 - 2027.

Trong EU cho đến nay đã định hình một truyền thống bất thành văn là phải đến tận phút cuối của các cuộc hội nghị cấp cao thì EU mới đạt được thoả thuận cuối cùng và mọi hội nghị cấp cao bất kể trong thực chất thành công hay thất bại đều luôn được các thành viên EU và giới chức lãnh đạo EU ngợi ca và tán dương là thành công, thậm chí còn cả rất thành công. Đối với hội nghị cấp cao này cũng như thế.

Hội nghị cấp cao EU đã thông qua gói 750 tỷ euro cho việc phát triển kinh tế-xã hội thời dịch bệnh. (Ảnh: KT)

Thật ra, công bằng và khách quan mà nói thì không thể không đánh giá hội nghị cấp cao vừa rồi của EU là không thành công. Cuối cùng, cho dù phải sau tận những 4 ngày và 4 đêm, 27 thành viên EU cũng đã đạt được sự nhất trí cần thiết về phân bổ những khoản tiền nói trên, về thành viên nào được bao nhiêu sử dụng cho những dự án gì với các điều kiện ra sao. Dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở châu Âu nên những chương trình tài chính cứu trợ này sẽ chẳng thể phát huy được tác dụng mà EU mong đợi nếu không được nhanh chóng giải ngân. Sự nhất trí của tất cả 27 thành viên là điều không thể thiếu bởi thành viên nào cũng có quyền phủ quyết. Đồng tiền đi liền khúc ruột nên việc phân chia tiền của này không dễ dàng chút nào đối với EU. Không có chuyện phân chia đều giữa các thành viên EU nên những thành viên cần ít hơn hoặc chỉ nhận được ít hơn sẽ đòi các thành viên nhận về nhiều tiền hơn phải nhượng bộ trên những phương diện khác thiết thực cụ thể cho họ hoặc gắn nhượng bộ với những điều kiện chung đối với EU. EU coi kết quả của cuộc gặp cấp cao này có ý nghĩa lịch sử ở khía cạnh EU chứng tỏ vẫn có tình đoàn kết gắn bó trong nội bộ.

Biểu hiện ra bên ngoài thì có thể như thế thật. Nhưng trong thực chất thì nội bộ EU tiếp tục phân bè chia phái rất sâu sắc và trầm trọng. Nhóm 4 thành viên "tiết kiệm" là Hà Lan, Áo, Thuỵ Điển và Đan Mạch được nhận về nhiều tiền hơn dự định ban đầu của EU để họ từ bỏ ý định phủ quyết việc EU đi vay nợ để viện trợ tài chính không hoàn lại cho một vài thành viên của EU. Những đòi hỏi rất cao của họ lúc ban đầu đã bị nới lỏng mức độ đi rất nhiều để rồi chỉ còn mập mờ và chung chung đến mức hiểu như thế nào và rồi đây thực hiện như thế nào cũng đều được. Hungari và Ba Lan đại diện cho những thành viên EU trong nhóm thành viên gặp khúc mắc với EU về dân chủ và nhà nước pháp quyền thoả hiệp không sử dụng quyền phủ quyết để đổi lấy việc EU không ràng buộc các nguồn tài trợ kia với những điều kiện về dân chủ và nhà nước pháp quyền. Cho nên từ kết quả như thế của cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên của EU kể từ khi dịch bệnh bùng phát có thể thấy EU đang thay đổi rất cơ bản và rõ rệt về bản chất và định hướng phát triển của liên minh cũng như về tương quan lực lượng trong nội bộ liên minh./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận