GS Carl Thayer: Australia rất lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, vì Trung Quốc hung hăng, bắt nạt và Mỹ thay đổi quan điểm, nên Australia cũng thay đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông.

 

Cuối tuần qua, Australia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, trong đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Công hàm của Australia khẳng định, Công ước của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) là cơ sở giải quyết các tranh chấp hàng hải. Công ước cũng đồng thời bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc dựa trên quyền lịch sử, yêu sách về Tứ Sa, yêu sách về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, công hàm cũng nhấn mạnh không chấp nhận các thực thể nhân tạo có quy chế của một hòn đảo và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016.

Để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của công hàm của Australia đối với các tranh chấp tại Biển Đông, Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng, Trường Đại học New South Wales, Australia.

PV: Cám ơn giáo sư đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Đài TNVN (VOV). Australia vừa gửi công hàm lên LHQ sau khi Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Vậy ông bình luận như thế nào về công hàm về Biển Đông mà Australia vừa gửi lên LHQ?

Giáo sư Carl Thayer: Giống như Mỹ, Australia từng có quan điểm trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp. Giờ đây, Australia đã thay đổi cách tiếp cận này và tiếp nối Mỹ để khẳng định, UNCLOS là căn cứ cho mọi yêu sách cũng như các tranh chấp hàng hải và phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 cũng cần phải được tuân thủ.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, Australia.PV: Điều gì khiến Australia có quan điểm mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông khi mà trước đó nước này khẳng định không đứng về phía bên nào trong bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông?

Giáo sư Carl Thayer: Tôi nghĩ đến hai vấn đề: Thứ nhất, Australia đang rất lo ngại không chỉ với các hành động bắt nạt, hăm dọa các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á, xung quanh khu vực Biển Đông mà còn sự phát triển năng lực quốc phòng của Trung Quốc trong khu vực cũng đang đe dọa tới Australia. Thủ tướng Australia mới đây đã công bố chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá hàng tỷ AUD.

Thứ hai là việc Mỹ thay đổi quan điểm. Australia là đồng minh thân cận của Mỹ. Vào tuần này, hai nước sẽ có cuộc gặp cấp Bộ trưởng. Vì thế, Australia thay đổi chính sách để có chung quan điểm với Mỹ. Tóm lại, vì Trung Quốc hung hăng, bắt nạt và Mỹ thay đổi quan điểm nên Australia cũng thay đổi quan điểm trong vấn đề Biển Đông.

PV: Công hàm của Australia bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Carl Thayer: “Điều đó có nghĩa là Việt Nam nên tiếp tục cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế công nhận yêu sách của Trung Quốc song Australia nói rằng, không, cộng đồng quốc tế không làm như vậy.

Việt Nam có lập trường và họ đã thể hiện điều này. Australia ủng hộ lập trường của Việt Nam khi nói rằng, quần đảo Hoàng Sa đang bị tranh chấp. Vì thế, Trung Quốc không thể cho rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề này. Australia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và làm giảm uy tín của Trung Quốc trong vấn đề này.

PV: Trong công hàm gửi LHQ, Australia đồng thời đề cập đến cái gọi là Tứ Sa. Vậy điều này tác động như thế nào đến yêu sách của Trung Quốc đối với cái gọi là Tứ Sa?

Giáo sư Carl Thayer: “Trong nhiều năm, từ 2009, các quốc gia đều nói đến đường chín đoạn hoặc là đường lưỡi bò. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần từng bước tách ra dần khỏi quan điểm này sau khi bị Tòa trọng tài quốc tế phản đối, để ngụy biện cho Tứ Sa gồm Pratas, Macclesfield, Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa rõ là họ muốn nối tất cả bốn nhóm đảo này thành một cụm hay chia ra thành bốn nhóm thực thể nhân tạo riêng biệt bởi vì gần đây, Trung Quốc khôi phục 2 khu vực hành chính và thiết lập bộ máy chính quyền đối với các thực thể này.

Theo luật pháp quốc tế, không thể vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các đá như cách mà Trung Quốc làm với quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Trung Quốc muốn xác định các thực thể nằm bên trong vùng này là vùng nội thủy của Trung Quốc để bảo vệ điểm cốt lõi trong yêu sách của nước này, đó là Trung Quốc có quyền lịch sử đối với Tứ Sa mà nước này đã vẽ đường cơ sở thẳng. Đây là sự nhập nhằng và không có căn cứ pháp lý. Australia đã bác bỏ yêu sách này trước khi yêu sách của Trung Quốc được mở rộng. Trung Quốc hãy dừng lại và ngừng vượt qua các ranh giới.

PV: Vài ngày trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Australia có cách riêng để ứng xử trong vấn đề Biển Đông. Vậy Australia sẽ làm gì tiếp sau để bảo vệ quan điểm của mình trong vấn đề Biển Đông?

Giáo sư Carl Thayer: Khi Thủ tướng mới đề cập quan điểm này, tôi và hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Australia sẽ không đi theo Mỹ. Tuy vậy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu tại thư viện Nixon rằng, bây giờ là thời điểm để các quốc gia tự do hành động song cũng nhấn mạnh, không phải mọi quốc gia đều phản đối Trung Quốc theo cách thức giống nhau. Vì thế, với tư cách là đồng minh, Australia muốn đồng hành cùng Mỹ song cũng muốn có sự khác biệt với Mỹ.

Australia đã có những hỗ trợ trực tiếp đối với các bên có tranh chấp; giúp Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải bằng cách duy trì sự hiện diện hải quân như việc HMAS Parramatta tham gia tập trận chung cùng với Mỹ. Ngoài ra, Australia tham gia UNCLOS vì thế, nếu bất kỳ quốc gia nào có yêu sách ở Biển Đông mà có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc, Australia có thể tham gia vụ kiện và ủng hộ quốc gia này hoặc có thể trở thành bạn của quốc gia đó, nếu nói dưới khía cạnh pháp lý. Australia có rất nhiều lựa chọn hơn là việc chỉ hợp tác duy nhất với Mỹ”./.

Việt Nga/VOV-Australia

 

Bình luận

    Chưa có bình luận