Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở và hiện đang tăng cường chính sách của mình đối với một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực này, đó là Biển Đông.
Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.
Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.
Mỹ khẳng định cùng chia sẻ những mối quan tâm này với các đồng minh và đối tác, các nước từng luôn ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các mối quan tâm chung này đã bị đe dọa bởi Trung Quốc. Bắc Kinh đã sử dụng các biện pháp đe dọa nhằm cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển Đông Nam Á ở Biển Đông, ép những nước này phải rời khỏi các nguồn tài nguyên ngoài khơi, khẳng định quyền thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế với khái niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
Cách tiếp cận của Trung Quốc đã được thể hiện rõ trong nhiều năm. Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tuyên bố với các đối tác ASEAN rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và đó là thực tế”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cách nhìn thế giới theo quan điểm cưỡng ép của Trung Quốc không có chỗ trong thế kỷ 21.
Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nhằm đơn phương áp đặt ý định của mình ở khu vực. Bắc Kinh không đưa ra được cơ sở pháp lý mạch lạc cho yêu sách “Đường chín đoạn” của mình ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố điều này năm 2009.
Trong quyết định ngày 12/07/2016, Tòa trọng tài, được thành lập theo Công ước về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên, đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc vì không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.
Như Mỹ từng tuyên bố trước đây cũng như được quy định cụ thể trong Công ước về Luật biển 1982, quyết định của Tòa trọng tài là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ về các yêu sách trên biển của Trung Quốc giống với phán quyết của Tòa trọng tài.
Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam cũng như mọi yêu sách của nước này đối với vùng nước nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Tuyên bố nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hoặc khai thác dầu khí của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều trái pháp luật.
Tuyên bố nhấn mạnh thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc được coi Biển Đông như đế chế trên biển của mình đồng thời khẳng định Mỹ sẽ cùng với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á bảo vệ quyền chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của những nước này theo luật pháp quốc tế. Mỹ cũng tuyên bố cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền cũng như phản đối mọi nỗ lực áp đặt khái niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông và trong toàn khu vực.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây đã chỉ trích Trung Quốc tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông đồng thời gia tăng các hoạt động hải quân tại khu vực này. Mỹ mới đây đã phái hai tàu sân bay để tham gia một trong những cuộc diễn tập hải quân lớn nhất trong vài năm qua ở Biển Đông, cùng thời điểm với các cuộc diễn tập của Trung Quốc ở khu vực này./.
Phạm Huân/VOV-Washington