Hiệp ước này được hai bên ký kết năm 2011 tại Praha (Séc) với nội dung chính là giảm số lượng đầu đạn hạt nhân và các hệ thống thiết bị làm bệ phóng cho vũ khí hạt nhân. Sau Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), hiệp ước này được coi là bước tiến rất quan trọng trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nó chỉ có hiệu lực đến ngày 5/2/2021 nếu như không được Mỹ và Nga nhất trí gia hạn hiệu lực thêm 5 năm. Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ đầu năm 2017, tổng thống nước này Donald Trump đã quyết định chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước INF và ám chỉ cũng sẽ quyết định như thế đối với số phận của Hiệp ước New START. Cho đến thời điểm hiện tại, Hiệp ước New START là thoả thuận duy nhất còn có hiệu lực về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga.
Vì thế, nếu Mỹ và Nga không đạt được thoả thuận về gia hạn hiệu lực của nó thì tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ đổ vỡ. Đàm phán được hai bên tiến hành là cơ hội cuối cùng cho tiến trình này. Ngay khi còn có chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, việc chạy đua vũ trang hạt nhân nói chung trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau và giữa nhiều đối tác khác nhau chứ không chỉ có giữa Mỹ và Nga vẫn tồn tại. Một khi không còn giải trừ vũ khí hạt nhân nữa giữa Mỹ và Nga thì chạy đua vũ trang trên thế giới sẽ trở nên sôi động hơn lâu nay rất nhiều.
Dù vậy, cơ hội cuối nói trên hiện lại rất mong manh mà nguyên do nằm ở phía Mỹ. Nga đã nhiều lần cho biết sẵn sàng gia hạn hiệu lực của Hiệp ước New START. Phía Mỹ thì lại khác. Việc rút nước Mỹ ra khỏi các thoả thuận song phương cũng như đa phương, ra khỏi các tổ chức và thể chế quốc tế là một trong những quan điểm chính sách được ông Trump thực hiện rất kiên định và mạnh mẽ. Ông Trump coi hành động ấy là biểu hiện cho khẩu hiệu và phương châm vận động tranh cử tổng thống cũng như cầm quyền "Nước Mỹ trước hết". Hiệp ước INF, Hiệp ước về Bầu trời mở và Hiệp ước New START tuy riêng biệt nhưng đều là bộ phận hoặc có tác động liên kết trong tiến trình giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông Trump đã chấm dứt sự tham gia của nước Mỹ vào Hiệp ước INF và Hiệp ước về Bầu trời mở nên sẽ không mặn mà gì với việc duy trì hiệu lực của Hiệp ước New START.
Ông Trump muốn đàm phán lại tất cả những văn kiện này, tức là muốn có thoả thuận mới với không chỉ nội dung mới mà còn cả với đối tác mới nữa là Trung Quốc. Chuyện lâu nay chỉ song phương giữa Mỹ và Nga bây giờ bị ông Trump muốn thành chuyện tay ba giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Cách làm của ông Trump là Mỹ rút khỏi thoả thuận hoặc không gia hạn hiệu lực của thoả thuận và Mỹ chỉ tham gia trở lại khi các bên liên quan tiến hành đàm phán lại thoả thuận và Trung Quốc phải tham gia vì Trung Quốc có nhiều vũ khí hạt nhân và đến nay rất phát triển về công nghệ tên lửa cũng như Trung Quốc đến nay đã lớn mạnh vượt bậc so với trước đây về tiềm lực kinh tế, công nghệ cũng như quân sự.
Trung Quốc sẽ không tham gia tiến trình giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân bởi chỉ như thế mới có lợi nhất đối với Trung Quốc. Giữa Nga và Trung Quốc hiện có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp như chưa từng thấy trong lịch sử nên Nga sẽ không vì bất cứ thoả thuận nào với Mỹ trên phương diện này mà gây áp lực với Trung Quốc hay khiến Trung Quốc gặp khó khăn và khó xử. Ấy là còn chưa kể đến việc bản thân Nga cũng không chấp nhận đòi hỏi của Mỹ đàm phán cả về vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật, lại cả về công nghệ và vũ khí siêu thanh. Ngoài ra, số phận của hiệp ước này còn phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ nữa./.
Hoàng Lan