Bán đảo Triều Tiên lại căng thẳng

Bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng và gay cấn trở lại khiến cho chính trường thế giới và khu vực lại trở nên sôi động hơn.

 

Đúng 2 năm ngày diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc bất ngờ trở nên căng thẳng và gay cấn trở lại.

Phía Triều Tiên đã phá bỏ trụ sở của Văn phòng liên lạc giữa hai miền trên bán đảo đặt trong khu công nghiệp Kaesong. Trước đấy, phía Triều Tiên đã ngừng hoạt động mọi kênh liên lạc trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Triều Tiên cũng cho biết không duy trì tiến trình đàm phán hòa bình và hòa giải giữa Triều Tiên và Mỹ nữa. Đi cùng với những quyết sách này còn có tuyên bố của Triều Tiên sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự để ứng phó với sự đe dọa an ninh đến từ phía Mỹ và Hàn Quốc. Nghe qua thì cảm nhận như thể cả tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Triều Tiên với Mỹ lẫn giữa Triều Tiên với Hàn Quốc được khởi động từ đầu năm 2018 giờ đều bị đảo ngược, đặc biệt giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Ở Singapore cách đây 2 năm, Mỹ và Triều Tiên có cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử. Tám tháng sau, hai bên tiến hành cuộc cấp cao thứ hai ở Việt Nam. Rồi ông Donald Trump là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ông Trump và ông Kim Jong-un đã gây dựng nên mối quan hệ cá nhân rất đặc biệt với nhau. Cái gọi là "Ngoại giao thư tín", tức là thường xuyên trao đổi với nhau thông qua gửi thư, đã giúp hai bên có được những sự kiện lịch sử nói trên và một trong những thời kỳ quan hệ song phương yên bình nhất. Giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng vậy. Hai người này nhiều lần gặp nhau ở Bàn Môn Điếm và ông Moon Jae-in đã tới thăm chính thức Triều Tiên.

Triều Tiên sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự để ứng phó với sự đe dọa an ninh đến từ phía Mỹ và Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: DPA).

Giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng giúp giảm căng thẳng, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp và mở ra triển vọng mới cho việc giải quyết tất cả những vấn đề khúc mắc tồn tại dai dẳng lâu nay, trong đó có Tuyên bố Bàn Môn Điếm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như Tuyên bố chung Singapore giữa Mỹ và Triều Tiên.

Việc thành lập Văn phòng liên lạc giữa hai miền là một trong những thỏa thuận trọng tâm của Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm năm 2018 giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Hình ảnh cơ sở này bị phá bỏ biểu trưng rất rõ cho tình trạng hiện tại trong quan hệ giữa hai miền trên bán đảo nhưng như thế không có nghĩa là hai bên cắt đứt quan hệ. Giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc vẫn còn có những hình thức liên lạc trực tiếp với nhau khác và bản thân việc khôi phục đường dây liên lạc trực tiếp, phục hồi Văn phòng liên lạc hay khởi động lại tiến trình đàm phán hòa bình và hòa giải cũng luôn có thể diễn ra rất bất ngờ giữa các bên liên quan. Bởi thế, tất cả những động thái mới này từ cả 3 phía khiến không thể không lo ngại, nhưng cũng không có nghĩa là hoàn toàn bi quan.

Triều Tiên chủ ý gây và gia tăng áp lực với Hàn Quốc và từ Hàn Quốc gây và gia tăng áp lực đối với Mỹ. Mấu chốt ở đây hiện vẫn là mối quan hệ trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên cho dù cả hai tiến trình đàm phán hòa bình và hòa giải giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc liên quan mật thiết với nhau, chi phối lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Triều Tiên muốn có chuyển biến mới trong quan hệ với Mỹ bởi nếu cứ tiếp tục như từ đầu năm 2018 đến nay thì có lợi cho Mỹ là chính chứ không còn lợi nhiều nữa cho Triều Tiên mà ở Mỹ hiện tại ông Trump vận động tranh cử tổng thống trong tình thế khó khăn hơn trước rất nhiều và triển vọng được tái đắc cử tổng thống trong năm nay không còn được sáng sủa và chắc chắn như trước nữa. Bán đảo trở nên căng thẳng khiến cho chính trường thế giới và khu vực lại trở nên sôi động hơn./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận