Mỹ sẽ không ngồi yên để Trung Quốc tiếp tục hung hăng trên Biển Đông

Bằng lời nói và hành động, Mỹ tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ hơn trước hành động ngang ngược và tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

 

Theo thống kê của SCMP, kể từ đầu năm cho tới giữa tháng 5, Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự tại các vùng biển gần Trung Quốc. Các máy bay của quân đội Mỹ thực hiện 39 chuyến bay qua Biển Đông, biển Hoa Đông, Hoàng Hải và eo biển Đài Loan, nhiều hơn gấp 3 lần so với khoảng thời gian tương tự vào năm 2019.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Hải quân Mỹ triển khai 4 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, chiếm 1/2 tổng số hoạt động tuần tra của nước này trong năm 2019. Mới đây nhất, Hải quân Mỹ điều động khu trục hạm USS Mustin áp sát quần đảo Hoàng Sa trong khuôn khổ các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mustin (DDG 89) hôm 28/5 đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bằng cách triển khai hoạt động này, Mỹ chứng minh rằng các vùng biển trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải của mình dựa trên pháp lý”, ông Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ cho hay.

Tuần dương hạm USS Bunker Hill (phải) và tàu khu trục USS Barry xuất hiện trên Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Chưa đầy 1 tháng trước đó, Hạm đội 7 của Mỹ xác nhận tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG-52) đã triển khai hoạt động tự do hàng hải quanh khu vực quần đảo Trường Sa.

Đi kèm thông báo trên, Hạm đội 7 nhấn mạnh các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và càn quét ở biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không.

Tần suất các các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ đã tăng mạnh kể từ đầu năm cho tới nay. Điều này được các chuyên gia nhận định là nhằm gửi đi thông điệp sâu sắc tới Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ không ngồi yên trước các hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Cùng với các hoạt động đảm bảo tự hàng hải trên Biển Đông, Mỹ cũng có động thái mà theo giới quan sát là bất ngờ khi điều động phi đội oanh tạc cơ B-1B Lancer tới thực hiện nhiệm vụ kéo dài 32 giờ liên tục tại Biển Đông hồi cuối tháng 4.

Mỹ tuyên bố việc triển khai các máy bay quân sự tới các địa điểm trên khắp thế giới nhằm chứng minh “khả năng khó đoán trước về hoạt động” của quân đội nước này.

Công hàm Mỹ gửi lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình).

Song song với đó, Washington liên tục tham gia vào các cuộc tập trận chung với Australia hồi giữa tháng 4 và với Singapore trong 2 ngày 24-25/5 mới đây.

Trên mặt trận ngoại giao, các chuyên gia, chính khách Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển này.

Tiếng nói đi đầu trong việc chỉ trích Bắc Kinh trong chính quyền Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông không dưới 1 lần dùng những lời lẽ gay gắt khi chỉ trích các hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển này, đánh chìm tàu cá của Việt Nam, đe dọa hãng dầu khí Malaysia.

“Mỹ kịch liệt phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc, chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”, ông Pompeo nói trong tuyên bố đưa ra hôm 20/5.

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cùng hàng loạt Nghị sỹ Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố tương tự, cáo buộc Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng trong nỗ lực biến  Biển Đông  thành "ao nhà".

Hôm 1/6, Mỹ "nâng cấp" tuyên bố chỉ trích Trung Quốc bằng việc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

"Hôm nay, Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại LHQ. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách bất hợp pháp và nguy hiểm này. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết, tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển", Ngoại trưởng Pompeo cho hay.

Giới chuyên gia cho rằng, khác với các tuyên bố chỉ trích đơn thuần trước đây, động thái cứng rắn này của Mỹ là dấu hiệu cho thấy đây có thể là bước rẽ ngoặt quan trọng trong chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và là tiền đề mở đường cho các động thái mạnh tay của Washington với Bắc Kinh thời gian tới.

Mỹ là nước mới nhất trình bày quan điểm bằng văn bản lên LHQ, chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Indonesia đã gửi công hàm 126/POL-703/V/20 lên LHQ ngày 26/5 để phản đối tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông./.

Hôm 10/4, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

"Việc Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp quốc là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của Việt Nam", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nhấn mạnh.

Phó phát ngôn nhấn mạnh là một quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS.

Mọi yêu sách biển trái với quy định của UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam đều không có giá trị.

Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

Theo VTC.VN

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận