Châu Âu kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất

Trong những ngày vừa qua, nhiều quốc gia châu Âu đã có những hình thức và mức độ khác nhau để kỷ niệm sự kiện này.

Ngày 11/11/1918 được coi là ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất với việc ký kết thoả thuận về đình chiến. Trong những ngày vừa qua, nhiều quốc gia châu Âu đã có những hình thức và mức độ khác nhau để kỷ niệm sự kiện này.

Sự khác nhau ấy có nguyên do ở bản chất và mức độ của sự liên can của từng nước tới cuộc chiến tranh, ở nhận thức và đánh giá riêng về thời kỳ lịch sử này, ở bài học mà từng bên rút ra từ cuộc chiến tranh và ở mục đích theo đuổi với việc kỷ niệm sự kiện quá khứ. Các nước trên châu lục hành xử như vậy vì cuộc chiến tranh này cả sau một thế kỷ vẫn còn tác động mạnh mẽ tới chứ không chỉ vẫn đơn thuần ám ảnh tương lai của cả châu lục.

Cuộc chiến tranh này đã khởi đầu một thời kỳ lịch sử mới cho châu Âu và thế giới. Đấy là thời kỳ tan rã của các đế chế và thể chế nhà nước của nhiều dân tộc như Đế chế Osman, đế chế Áo - Hungari… Nước Anh dần bị mất vị thế cường quốc thế giới và nước Mỹ dần giành về tầm vóc này. Nước Đức trở thành trường hợp đặc biệt ở châu Âu. Nước Pháp bị giằng xé trong tâm trạng không biết trong thực chất đã thắng hay thua trong cuộc chiến tranh này. Vùng Bantic, Bắc Âu hay trên bán đảo Balcan cũng đều bắt đầu thời kỳ của nhà nước quốc gia độc lập. Câu hỏi về nên trung lập hay không trung lập cũng được đặt ra cho một số quốc gia châu Âu từ thời kỳ này.

Ở châu Âu, không chỉ có bản đồ địa lý được vẽ lại bởi cuộc chiến tranh. Vì sự phân chia lại khu vực lãnh thổ và thuộc địa giữa các quốc gia châu Âu theo sự vận hành của các bên thắng trận mà cho tới tận ngày nay trên châu lục này vẫn tồn tại dai dẳng nhiều vấn đề nan giải liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung khắc tôn giáo và sắc tộc, cọ sát về văn hoá, đối địch về ý thức hệ và cả thù hằn dân tộc.

Trên châu lục này hiện đã có hoà giải và hợp tác, liên kết và nhất thể hoá, nhưng chưa có được hoà bình hoàn toàn và tuyệt đối, chưa chấm dứt được hoàn toàn chiến tranh và hết hẳn xung đột bạo lực. Mỗi quốc gia trên châu lục có cách thức và mức độ khác nhau kỷ niệm sự kiện cách đây 100 năm cũng có phần chính vì thế.

Nước Pháp kỷ niệm trọng thể nhất vì muốn nhấn mạnh đến vị thế của nước chiến thắng xưa và tìm kiếm vai trò lãnh đạo châu Âu hiện tại. Nước Anh chỉ tập trung vào tưởng nhớ và tri ân những binh lính đã chết trên chiến trường. Nước Đức vẫn rụt rè và cả khiên cưỡng. Các nước Bắc Âu, Thuỵ Sỹ và Áo tìm kiếm cách tiếp cận mới và câu trả lời mới cho câu hỏi về tính trung lập. Serbia vẫn phân vân trong tâm trạng không rõ là thủ phạm hay nạn nhân. Các cuộc chiến tranh thế giới đã qua cả một thế kỷ, châu lục này vẫn đứng trước nhiều câu hỏi hơn là số câu trả lời có được.

Châu Âu kỷ niệm sự kiện quá khứ năm nay đúng vào thời điểm và bối cảnh tình hình chung phức tạp và căng thẳng. EU đang rệu rã nội bộ và bế tắc động lực phát triển mới, bị kìm chân bởi quá trình đàm phán với chính phủ Anh xử lý việc nước Anh ra khỏi EU và bị thách thức bởi cả chính quyền mới ở Mỹ lẫn nước Nga. EU tìm lại những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh này nhưng lại vẫn lực bất tòng tâm trong nỗ lực kiến tạo tương lai.

Thật khó khăn và khó xử cho châu Âu khi ở một đằng chính quyền mới ở Mỹ không còn mặn mà với trật tự thế giới mà chính Mỹ đã đóng vai trò rất quyết định để gây dựng nên cách đây 100 năm và châu Âu đã quá quen dựa cậy vào đó trong khi ở phía khác châu lục bị đắm chìm trong chia rẽ và ly khai, trong chủ nghĩa dân tộc và dân tuý. Cũng chính vì thế mà dịp kỷ niệm sự kiện quá khứ lịch sử này còn đi cùng với yêu cầu đòi hỏi đặt ra cho châu lục là phải lựa chọn tương lai nào thì mới vứt bỏ được hết tàn dư và ảnh hưởng của quá khứ./.

Bình luận

    Chưa có bình luận