EU vất vả tìm đồng thuận

Dịch bệnh còn phơi bày rõ nét hơn bao giờ hết mọi điểm yếu và dễ bị tổn thương của EU mà lâu nay vẫn ẩn khuất hoặc vẫn được EU che giấu.

 

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đã đẩy EU tới những thách thức và khó khăn mới khi tổ chức hợp tác và liên kết khu vực này vốn đang phải trực diện với không ít khó khăn và thách thức trong nội bộ và trên châu lục.

Sự phân bè chia phái giữa các thành viên của liên minh, nước Anh rũ khăn áo ra đi tìm lối đi riêng, lực lượng dân túy, dân tộc chủ nghĩa và cánh hữu cực đoan trỗi dậy mạnh mẽ, mức độ không hài lòng ngày càng tăng của người dân về các cách thức và hiệu quả hoạt động của các thể chế của EU, bế tắc trong quan hệ với Nga và căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, vướng mắc dai dẳng với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xử lý vấn đề người nhập cư và tỵ nạn... đã thừa đủ làm cho EU bị thất điên bát đảo trong thời gian qua.

Dịch bệnh này thật chẳng khác nào "hoạ vô đơn chí" đối với EU khi tuy nó bùng phát ở Trung Quốc nhưng nay đã nhanh chóng biến châu Âu thành một tâm điểm mới của diễn biến dịch bệnh mà cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy có thành viên nào của EU ứng phó thật sự thành công và hiệu quả. Hơn thế nữa, dịch bệnh này lại còn phơi bày rõ nét hơn bao giờ hết mọi điểm yếu và dễ bị tổn thương của EU mà lâu nay vẫn ẩn khuất hoặc vẫn được EU che giấu. Mỗi thành viên thực thi biện pháp chính sách riêng trong đối phó dịch bệnh chứ không thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong khuôn khổ EU và EU gần như bị gạt ra ngoài lề trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Ủy ban EU đã đưa ra những khuyến nghị chung mang tính định hướng cho các thành viên khi quyết định mức độ và lộ trình ra khỏi tình trạng phong tỏa, cách ly hay giãn cách xã hội đã được áp dụng để đối phó dịch bệnh nhưng đâu có được các thành viên để ý đến.

Dịch bệnh Covid-19 đã đẩy EU tới những thách thức và khó khăn mới. (Ảnh: KT)

Cho nên tại hội nghị cấp cao trực tuyến lần thứ 4 vừa qua, EU phải rất vất vả mới có được chút đồng thuận trong nội bộ để thông qua gói tài chính nhằm cứu trợ các thành viên gặp khó khăn tài chính bởi dịch bệnh. Số tiền 540 tỷ euro được các thành viên EU nhất trí dùng để chi cho việc giải cứu các công ty trước nguy cơ bị phá sản, trợ cấp cho người lao động bị mất thu nhập do thất nghiệp hoặc giãn thợ ở thời buổi dịch bệnh cũng như dùng để cấp phát tín dụng cho các doanh nghiệp cầm cự qua thời dịch bệnh. Nhưng sự đồng thuận trong nội bộ EU tại hội nghị cấp cao trực tuyến này cũng chỉ dừng lại ở nguyên tắc sử dụng và mức độ của gói tài chính, chứ còn về sử dụng nó cụ thể như thế nào, thành viên nào được sử dụng bao nhiêu với những điều kiện ra sao và đặc biệt là lấy tiền từ đâu ra để có được gói tài chính ấy lại đều là những câu hỏi chưa được trả lời.

Chúng chưa được trả lời bởi các thành viên EU không nhất trí được với nhau về câu trả lời. Các thành viên giàu không muốn đóng góp tài chính nhiều hơn để cho các thành viên nghèo hơn thỏa sức tiêu xài. Các thành viên vốn luôn tuân thủ nghiêm chỉnh mọi quy định và tiêu chí của EU về mức độ vay nợ công và thâm hụt ngân sách thường niên không muốn mình cứ tiếp tục như thế trong khi các thành viên khác tiếp tục bất chấp các quy định và tiêu chí này. Cứ động chạm đến tài chính và tiền của là sự đồng thuận và đoàn kết nhất trí trong nội bộ EU lập tức rệu rã. Gặp khó khăn thì các thành viên càng cần đến liên minh và khi các thành viên gặp khó khăn thì liên minh có cơ hội thể hiện vai trò. Nhưng nội bộ lục đục, bất hoà và phân hoá thì liên minh không thể tận dụng được cơ hội để phát huy vai trò. Ở hội nghị cấp cao trực tuyến vừa rồi, EU thành công khi đạt được sự nhất trí về gói cứu trợ tài chính nói trên, nhưng lại không thành công ở việc đạt được sự nhất trí cần thiết về những chi tiết cụ thể để có thể thực hiện gói tài chính ấy./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận