Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, hơn 4 tháng kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc, vẫn cương tỏa chặt chẽ cả thế giới.
Sau Trung Quốc, bây giờ nước Mỹ và châu Âu trở thành những tâm điểm mới diễn biến của dịch bệnh. Chưa ở đâu trên thế giới tìm kiếm ra được vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh này và thuốc đặc trị nó. Điều này có nghĩa là hiện chưa thể biết được đến khi nào con người mới có thể chế ngự và đẩy lùi được dịch bệnh. Dịch bệnh lại gây tác động vô cùng tệ hại tới cuộc sống của con người, hoạt động của quốc gia và tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới nói chung.
Vì thế, vừa đối phó dịch bệnh vừa hạn chế và khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh trên mọi phương diện là cách tiếp cận đúng đắn nhất và thực tế nhất. Các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới hiện đang làm việc này, mỗi nơi một kiểu cách chứ không giống nhau về thực chất biện pháp chính sách và về mức độ mà được gọi chung là nới lỏng.
Cách tiếp cận đấy là sự xác định chấp nhận một thời kỳ, dài hay ngắn bao lâu thì hiện chưa thể biết, chung sống với dịch bệnh, tức là phải tạo dựng nên một tình trạng bình thường mới mà trong đấy vẫn còn có tác động trực tiếp của dịch bệnh nhưng mọi hoạt động của nhà nước và giới kinh tế cũng như cuộc sống của con người được phục hồi.
Các tiêu chí đặt ra ở đây là chung sống với dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho con người và phát triển kinh tế xã hội như có thể được. Cách tiếp cận chung thì như thế nhưng ở mỗi nơi sẽ có cách xác định khác nhau mối tương quan cụ thể giữa mức độ đảm bảo an toàn cho con người với mức độ nới lỏng các biện pháp đối phó dịch bệnh ngặt nghèo nhằm khôi phục phát triển kinh tế xã hội.
Nhìn vào cái gọi là "Chiến lược lối ra khỏi đại dịch" của Mỹ và các nước ở châu Âu có thể thấy mỗi nơi chọn thời điểm khác nhau để bắt đầu đi vào thời kỳ cùng chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả giống nhau ở chỗ vẫn cấm tất cả các hoạt động tụ tập đông người từ 10 hoặc 20 hay 30 người trở lên, vẫn bắt buộc giữ khoảng cách tiếp xúc, vẫn bắt buộc hay khuyến nghị người dân đeo khẩu trang. Trường học và xí nghiệp dần được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu và điều kiện về phòng chống dịch bệnh. Ở tất cả các nước này, lối vào chung sống với dịch bệnh còn giống nhau ở 3 điều rất đáng chú ý nữa.
Thứ nhất là các biện pháp nới lỏng được thực thi ngay khi dịch bệnh chưa có biểu hiện suy giảm đáng kể mức độ hoành hành. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro rất nhiều và rất lớn, khả năng lại phải áp dụng trở lại những biện pháp chính sách đối phó dịch bệnh ngặt nghèo trước đấy rất cao. Thứ hai, tất cả đều theo phương châm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào và đẩy lùi dịch bệnh ở bên trong.
Vì thế, chưa có nước nào hay nơi nào nới lỏng việc phong tỏa biên giới quốc gia, người nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh tuyệt đối và công dân hồi hương phải bị cách ly bắt buộc ít nhất 14 ngày. Điều này cũng còn có nghĩa là ngành du lịch có liên quan đến nước ngoài và hàng không vận chuyển hành khách ra nước ngoài vẫn còn bị ngưng trệ hoàn toàn.
Thứ ba, các nước và các vùng lãnh thổ tự quyết định "chiến lược lối ra khỏi đại dịch" chứ không tham vấn lẫn nhau, không thống nhất quan điểm và phối hợp hành động với nhau. Cả ở đây cũng thấy là thời chung sống an toàn với dịch bệnh vẫn là thời mà vai trò của nhà nước quốc gia tiếp tục nổi trội và quyết định hơn cả.
Lối vào thời chung sống với dịch bệnh dẫu có khác biệt nhau đến mấy thì cả nhà nước và người dân, cả quốc gia và thế giới đều không thể tránh khỏi phải tự thay đổi và chấp nhận thay đổi./.
Hoàng Lan