OPEC+: Ngừng chiến và thoả hiệp

Các thành viên của khuôn khổ OPEC+ đã đạt được thoả thuận về cắt giảm khối lượng khai thác xuất khẩu dầu lửa hàng ngày.

 

OPEC+ là khuôn khổ hợp tác không chính thức giữa 13 nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và 10 nước xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới.

Con số 23 nước này tuy hàm ý đông đảo, nhưng vẫn không bao quát hết tất cả những quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu lửa hiện tại trên thế giới. Khuôn khổ này được định hình cách đây 2 năm với trụ cột là tham vấn và thương thảo giữa Arab Saudi, đại diện cho phía OPEC và Nga đại diện cho phía 10 nước ở bên ngoài OPEC. Mới đây, các thành viên của khuôn khổ OPEC+ đã đạt được thoả thuận về cắt giảm khối lượng khai thác xuất khẩu dầu lửa hàng ngày.

Giá dầu giảm khiến ngành công nghiệp khai thác dầu của Mỹ lao đao. (Ảnh: KT)

Việc cắt giảm này trở nên cần thiết và cấp thiết đối với OPEC+ bởi giá dầu lửa trên thị trường thế giới trong những ngày vừa qua đã giảm rất nhanh và rất mạnh, thậm chí còn xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây, gây tổn hại lớn cho những nước khai thác xuất khẩu dầu lửa. Giá dầu lửa giảm bởi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 gây ra. Cho tới trước thời điểm dịch bệnh này bùng phát, nhu cầu tiêu dùng dầu lửa của cả thế giới trung bình hàng ngày khoảng 100 triệu thùng (159 lít). Dịch bệnh kia đã làm mức độ nhu cầu ấy giảm ít nhất 20 triệu thùng hàng ngày, thậm chí có ước tính mức độ giảm này còn từ 24 triệu thùng đến 30 triệu thùng. Dịch bệnh lại chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Kinh tế và thương mại thế giới chắc chắn không còn có thể tránh khỏi bị sa sút tăng trưởng đáng kể trong năm nay. Vì thế, muốn làm cho giá dầu lửa không giảm mà tăng lên và ổn định ở mặt bằng giá nào đấy thì không thể không giảm mức độ cung ứng dầu lửa cho thị trường hàng ngày.

Ngay từ đầu tháng 3 vừa qua, Arab Saudi và Nga đã thương thảo với nhau nhưng không đạt được thoả thuận về cắt giảm 10 triệu thùng hàng ngày. Vì thế, Arab Saudi đã tuyên chiến với Nga bằng biện pháp tăng mức độ khai thác xuất khẩu dầu lửa hàng ngày và bù trợ cấp xuất khẩu dầu của mình để gây áp lực buộc Nga phải nhượng bộ. Giá dầu giảm khiến ngành công nghiệp khai thác dầu của Mỹ lao đao và đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải can thiệp trực tiếp, hối thúc tổng thống Nga Vladimir Putin và chính quyền Arab Saudi thoả hiệp với nhau. Với quyết sách nói trên của OPEC+, Arab Saudi và Nga chấm dứt cuộc chiến giá dầu với nhau.

Thoả thuận mới đạt được kia của OPEC+ được coi có ý nghĩa lịch sử bởi chưa khi nào kể từ trước đến nay các nước khai thác xuất khẩu dầu lửa nhất trí cắt giảm khối lượng lớn đến như thế và bởi lần đầu tiên việc cắt giảm này được hậu thuẫn bởi cả Nhóm G20 và có được cam kết tham gia cùng giảm bớt mức độ khai thác xuất khẩu dầu lửa hàng ngày của một số nước khác, đặc biệt là Mỹ. Theo thoả thuận này, các nước thành viên khuôn khổ OPEC+ sẽ cùng nhau cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu hàng ngày trong tháng 5 và 6 tới, sau đó giảm bớt mức độ và duy trì cắt giảm cho tới tháng 4/2022, và các nước khác cam kết cùng nhau cắt giảm 3,5 triệu thùng hàng ngày.

Mức cắt giảm khối lượng khai thác xuất khẩu dầu lửa hàng ngày này vẫn còn thấp nhiều so với mức độ giảm của nhu cầu trên thực tế nhưng cũng đủ để giá dầu không tiếp tục giảm mà đã tăng trở lại lên đến mặt bằng giá nhất định. Nếu các thành viên của OPEC+ tuân thủ nghiêm chỉnh thoả thuận này và các nước khác thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết thì chắc chắn giá dầu sẽ chỉ có thể tăng chứ không giảm nữa. Tuy nhiên, thoả thuận này mới chỉ có thể có được hiệu ứng nhất thời và tạm thời. Muốn có được sự ổn định bền vững của giá dầu trên thị trường thì OPEC+ còn phải linh hoạt và mau lẹ hơn nữa với những quyết sách chung và phải lôi kéo được cả những nước khai thác xuất khẩu dầu lửa khác nữa trên thế giới vào cùng hội cùng thuyền./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận