Mỹ cản phá dự án Nord Stream 2

Việc Mỹ cản phá dự án mang tên Nord Stream 2 không chỉ làm chậm lại tiến độ thực hiện mà còn bắn đi một mũi tên nhằm vào nhiều đích cùng một lúc.

 

Luật mới được tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành về trừng phạt những công ty và cá nhân tham gia hoặc trợ giúp xây dựng tuyến đường ống mang tên Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga trực tiếp sang Tây Âu không chỉ làm chậm lại tiến độ thực hiện dự án mà còn gây thêm trắc trở cho mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và với những thành viên EU tham gia cùng Nga thực thi dự án này. Cùng với tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 đang hoạt động, Nord Stream 2 nối Nga và Tây Âu trực tiếp với nhau bằng cách xuyên qua Biển Bắc mà không phải quá cảnh qua bất kỳ nước láng giềng nào của Nga, giúp Nga vừa tăng được khối lượng khí đốt xuất khẩu sang thị trường Tây Âu lại vừa tránh bị lệ thuộc vào những nước láng giềng cho khí đốt quá cảnh lâu nay, đặc biệt trong số đấy là Ukraine và Ba Lan.

Hiện tại, 2.100km đường ống dẫn khí đốt của Nga đã được lắp dựng xong, chỉ còn 300km nữa chưa hoàn thành. (Ảnh: internet)

Cái kiểu dùng luật quốc gia riêng để áp đặt yêu cầu đòi hỏi và trừng phạt các quốc gia, công ty, tổ chức hay cá nhân ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Mỹ như thế vốn được Mỹ rất hay sử dụng từ xưa đến nay. Cuba và Iran hiện vẫn là đối tượng bị Mỹ tấn công bằng cách ấy. Trung Quốc mới đây nhất cũng bị Mỹ dùng những bộ luật mới nhằm mục đích ép buộc Trung Quốc phải làm theo ý Mỹ trong chính sách liên quan đến Hồng Kông và Tân Cương. Trung Quốc coi luật như thế của Mỹ là can thiệp vào công chuyện nội bộ của Trung Quốc. Chính phủ Đức cũng có quan điểm như thế về luật nói trên của Mỹ liên quan đến dự án Nord Stream 2. Mỹ đặt tên cho luật này là Luật về bảo vệ an ninh năng lượng cho châu Âu trong khi ở châu Âu không có quốc gia nào chính thức yêu cầu Mỹ bảo vệ an ninh năng lượng cho mình. Mỹ lập luận luật này giúp nước Đức không bị lệ thuộc vào Nga về cung ứng năng lượng trong khi chính phía Đức là một trong những đối tác chính trong dự án Nord Stream 2 và phía Đức luôn công khai cho rằng nếu muốn đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài thì không thể không dựa cậy vào Nord Stream 2.

Cho nên mọi lập luận của Mỹ chỉ là ngụy biện, mà lại còn ngụy biện một cách rất khiên cưỡng và vụng về. Mục đích chính của Mỹ là gây thêm khó khăn cho Nga khi cản trở Nga tăng thêm thu lợi mới từ việc tăng cường được xuất khẩu khí đốt và đồng thời đẩy các nước ở châu Âu vào tình thế không dám - vì phải để ý đến Mỹ - hợp tác với Nga và không thể nhập khẩu được khí đốt của Nga mà phải nhập nhiều hơn khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Phía Mỹ bắn đi một mũi tên nhưng nhằm vào nhiều đích cùng một lúc.

Luật mới của ông Trump sẽ làm cho mối quan hệ của Mỹ với Nga và một số thành viên khác của EU thêm trắc trở.

Ông Trump biết rằng luật này sẽ làm cho mối quan hệ của Mỹ với Nga và một số thành viên khác của EU thêm trắc trở. Nhưng điều được người này quan tâm đến nhiều hơn không phải là lo ngại về kịch bản mối quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên tồi tệ hơn mà là gia tăng áp lực đối với EU và một số thành viên EU cũng như tạo ra cảm nhận ở Mỹ là chinh phục được thị trường châu Âu cho khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Ông Trump cần hai tác động này phục vụ cho cuộc xung khắc thương mại với EU và cho hiệu ứng dân tuý của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Ông Trump không phải quan ngại về nguy cơ bị quốc hội phế truất, nhưng tranh thủ cử tri vẫn giúp ông Trump giảm thiểu được tác động tiêu cực của chuyện quốc hội luận tội phế truất tổng thống tới tâm lý chung của cử tri Mỹ.

Đương nhiên là phía Mỹ không thể không trù liệu rằng Nga sẽ trả đũa. Nhưng kể cả có như thế thì cũng không nghiêm trọng gì bởi mối quan hệ song phương này chưa thể có được triển vọng cải thiện trong thời gian tới. Nga và các đối tác sẽ tiếp tục thực hiện dự án này đến cùng và chỉ hoàn thành chậm hơn so với dự kiến ban đầu thôi. Hiện tại, 2.100km đường ống đã được lắp dựng xong, chỉ còn 300km nữa chưa hoàn thành./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận