Mỹ và Trung Quốc đạt Thỏa thuận thương mại

Dù đàm phán thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 'thỏa thuận lớn' nhưng chưa hẳn đã là kết quả giải quyết xung khắc cuối cùng.

 

Kể cả sau khi Mỹ và Trung Quốc đều cho biết là đã đạt được sự nhất trí về cái mà hai bên gọi là Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thì bên ngoài vẫn chưa hẳn có thể tin bởi cho đến nay hai bên đã không dưới vài lần tuyên cáo đại loại như thế trong khi trên thực tế chưa được như thế.

Và ngay cả khi thoả thuận này được hai bên chính thức ký kết thì việc thực hiện nó hiện cũng chưa được đảm bảo. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn khiến thiên hạ bị bất ngờ nữa khi bất ngờ thay đổi quan điểm. Ông Trump ngợi ca kết quả đàm phán thương mại này với Trung Quốc là "thoả thuận lớn" thế thôi chứ khi cần phải trang trải nhu cầu đối nội hay đối ngoại nào đấy thì sẽ nhanh chóng sẵn sàng vứt bỏ nó một cách mau lẹ và không thương tiếc.

Cả Trung Quốc cũng vì lợi ích riêng và vì tính cách cá nhân như thế của ông Trump mà phân định rõ ràng giữa đạt được thoả thuận và thực hiện thoả thuận với Mỹ. Việc hai bên đạt được thoả thuận ở vòng đàm phán thương mại này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên nhưng thoả thuận này mới chỉ làm giảm bớt mức độ quyết liệt của cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên chứ chưa đủ để giúp hai bên khắc phục ổn thỏa cuộc xung khắc ấy, lại càng chưa có được tác dụng ngăn ngừa xung khắc thương mại tái bùng phát trong tương lai.

Xung khắc thương mại dai dẳng đã hơn 18 tháng nay đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và hoạt động kinh tế đối ngoại của cả Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Mỹ và Trung Quốc hiện cần có thỏa thuận này như thế nào có thể thấy ở chỗ bản thân thỏa thuận chưa được hoàn tất về nội dung và thể thức văn bản, chưa được ký kết và chính thức có hiệu lực mà đã được cả hai phía bắt đầu thực hiện. Phía Mỹ không áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với thêm hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 15/12/2019 như ông Trump đã dọa và giảm một nửa mức độ thuế quan bảo hộ thương mại đối với một khối lượng giá trị nhất định hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Còn Trung Quốc hoãn thực hiện một số biện pháp trừng phạt Mỹ về thương mại.

Việc cả hai bên cần thỏa thuận thương mại cũng còn thể hiện ở chỗ thỏa thuận mà hai bên tuyên cáo đã đạt được nặng về danh nghĩa mà nhẹ về thực chất. Nó hoàn toàn chưa phải là nội dung cốt lõi trong giải pháp cho cuộc xung khắc thương mại mà trong thực chất mới chỉ là những kết quả đàm phán nhằm duy trì tiến trình đàm phán và tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm tới Thỏa thuận thương mại giai đoạn 2. Nếu không vì nhu cầu rất cấp thiết thì chắc chắn hai bên không đạt được thỏa thuận này vào thời điểm hiện tại và trong bối cảnh tình hình hiện tại ở quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc xung khắc thương mại đã khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trắc trở. Nhưng tác động còn tai hại hơn thế đối với quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là những động thái mới đây nhất của quốc hội Mỹ liên quan đến Hồng Kông và Tân Cương mà Trung Quốc coi là can thiệp vào công chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Cả hai bên hiện có nhu cầu vừa giảm căng thẳng vừa ngăn ngừa căng thẳng leo thang trong cuộc xung khắc thương mại dai dẳng đã hơn 18 tháng nay bởi cuộc xung khắc thương mại đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và hoạt động kinh tế đối ngoại của cả hai bên, gây ra cho ông Trump và chính phủ Trung Quốc khó khăn mới về đối nội. Vì thế, thỏa thuận thương mại này, dù mới chỉ là tạm thời chứ chưa phải là giải pháp cơ bản, vẫn được coi là có lợi cho cả đôi bên nếu rồi đây được cả hai phía thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ.

Những vòng đàm phán thương mại tới mới thật sự quyết định hai bên có thật sự muốn xử lý cuộc xung khắc thương mại hay không và sẽ xử lý nó như thế nào mà nhiều khả năng ngay cả Thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 cũng chưa phải là giải pháp cuối cùng hay thỏa thuận thương mại cuối cùng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận