Tổng tuyển cử Anh và ngã rẽ mới cho Brexit

Kết quả của cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn có những tác động nhất định đối với nước Anh cũng như hồ sơ Brexit vốn đang bế tắc.

 

Hơn 46 triệu cử tri Vương quốc Anh ngày 12/12 đã đi bỏ phiếu để đưa ra quyết định về tương lai chính trị của đất nước trong vòng 5 năm tới. Kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn được công bố rạng sáng 13/12 cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chiến thắng cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh và nhiều khả năng giành được đa số. Kết quả này có những tác động nhất định đối với nước Anh cũng như hồ sơ Brexit vốn đang bế tắc.

Kết quả sơ bộ cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chiến thắng cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh. Ảnh: CNN

Quyết định của cử tri

Đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson đã tập trung mọi nỗ lực tranh cử vào khẩu hiệu rất đơn giản “Hãy để Brexit được thực thi”. Khẩu hiệu này được đảng Bảo thủ trưng ra ở mọi nơi, mọi thời điểm. Chiến lược của ông Boris Johnson, như phân tích của giới truyền thông chính trị tại Anh, là rất rõ ràng: buộc người dân Anh ghi nhớ trong đầu một ý niệm đơn giản. Ngoài khẩu hiệu này thì cương lĩnh tranh cử của ông Boris Johnson và đảng Bảo thủ chỉ tập trung trọng điểm vào một số hứa hẹn khác, như việc sẽ tăng số cảnh sát tại Anh thêm 20.000 người.

Đây cũng là một lời hứa rất được đón nhận trong bối cảnh Vương quốc Anh gần đây không chỉ phải đối mặt với nguy cơ khủng bố tăng cao, mà điển hình là vụ tấn công bằng dao trên cầu London cách đây vài tuần, mà còn vì hiện nay tình trạng bạo lực đường phố và băng đảng đang là nỗi lo của nhiều người dân Anh tại nhiều thành phố lớn.

Vì thế, cử tri Anh quyết định bỏ phiếu cho ông Boris Johnson nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay của tiến trình Brexit cũng như cải thiện điều kiện an ninh thường nhật.

Một lí do quan trọng khác, đó là việc các đối thủ của đảng Bảo thủ đã có một đợt tranh cử thất bại. Đảng Brexit thì mất gần như toàn bộ cử tri vào tay đảng Bảo thủ, trong khi đảng Dân chủ-tự do (Lib-Dems) thì cũng không thu hút được cử tri như dự đoán do tuyên bố cứng nhắc của thủ lĩnh đảng này, bà Jo Swinson rằng đảng này sẽ lập tức huỷ bỏ Brexit nếu thắng cử. Tuyên bố này được coi là phớt lờ thực tế là đa số người Anh đã lựa chọn Brexit năm 2016.

Cuối cùng, đó là việc Công đảng của ông Jeremy Corbyn đã không thuyết phục được cử tri Anh bằng một cương lĩnh tranh cử thiên tả, với rất nhiều hứa hẹn về đầu tư công, ưu đãi an sinh xã hội nhưng lại hoàn toàn mập mờ và không có chủ kiến rõ ràng về vấn đề Brexit.

Các phân tích đầu tiên về xu hướng bỏ phiếu của cử tri, cũng như việc “đổi màu” tại một số đơn vị bầu cử, tức trước đây thuộc Công đảng nhưng nay chuyển sang ủng hộ đảng Bảo thủ, cho thấy là việc ông Jeremy Corbyn lựa chọn chiến lược không tập trung vào Brexit, mà vào các hứa hẹn cải cách, đã thất bại bởi đa số cử tri ủng hộ Công đảng lại cũng là những người ủng hộ Brexit.

Ngoài ra, Công đảng cũng phải trả giá vì các mâu thuẫn trong nội bộ cũng như các điều tiếng liên quan đến việc đảng này theo đuổi chủ nghĩa bài Do thái một cách công khai. Gần như chắc chắn sau thất bại này thì ông Jeremy Corbyn sẽ không thể tiếp tục giữ chức thủ lĩnh Công đảng.

Ngã rẽ mới cho Brexit

Cuộc bầu cử này được tổ chức để phá thế bế tắc liên quan đến Brexit và kết quả của nó đã chứng minh là cử tri Anh thực sự muốn dứt điểm tiến trình Brexit sau hơn 3 năm mệt mỏi. Vì lí do đó họ đã chọn đảng Bảo thủ và trao cho đảng này một đa số tuyệt đối để lãnh đạo nước Anh trong thời gian tới.

Với kết quả này thì các diễn biến tiếp theo về Brexit sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều. Khả năng Brexit bị huỷ bỏ đã chấm dứt và chắc chắn nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/1/2020 tới, thậm chí là có thể sớm hơn, ngay trong đầu tháng 1/2020 như ông Boris Johnson hứa hẹn nếu đảng Bảo thủ kiên quyết muốn bỏ phiếu thông qua một dự luật rời EU ngay trong dịp Giáng sinh.

Tuy nhiên, sau khi đã giành được đa số lớn như hiện nay thì có lẽ điều này cũng không còn quá quan trọng với chính phủ của ông Boris Johnson vì việc Vương quốc Anh rời EU không thể đảo ngược được nữa.

Dù vậy, Brexit thực ra mới là một phần trong quan hệ giữa Vương quốc Anh với EU. Sau khi giải quyết xong Brexit, tức là việc nước Anh rời EU, thì phần quan trọng hơn và được dự đoán sẽ cam go hơn rất nhiều, đó là phải đàm phán một thoả thuận mới về quan hệ tương lai giữa Anh và EU, nhiều khả năng là dưới dạng một Hiệp định thương mại tự do.

Ông Boris Johnson từng tuyên bố muốn hoàn thành việc này trong vòng 1 năm nhưng các nhà ngoại giao ở Brussels thì nhận định là việc đàm phán có thể phải kéo dài vài năm. Đó sẽ là thách thức tiếp theo trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU, trong bối cảnh chính trị có nhiều thay đổi từ cả hai phía, khi EU có dàn lãnh đạo mới còn ông Boris Johnson thì củng cố được quyền lực tại Anh sau cuộc bầu cử.

Phản ứng của dư luận Anh và khu vực

Trên thực tế, dư luận châu Âu nhìn nhận cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh với rất ít thiện cảm, thể hiện rõ trong các bài phân tích của truyền thông nhiều nước châu Âu trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Đa số cho rằng, dù ông Boris Johnson hay ông Jeremy Corbyn thắng cử thì đó cũng đều không phải là tin tức đáng mừng gì cho châu Âu. Các tờ báo tại Pháp, Đức hay Tây Ban Nha đặc biệt dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích ông Boris Johnson, cho rằng Thủ tướng Anh đang làm suy yếu châu Âu.

Còn với ông Jeremy Corbyn thì dư luận châu Âu cũng rất thận trọng và có phần cảnh giác trước các quan điểm thiên tả của ông này. Trong con mắt dư luận và truyền thông châu Âu thì thủ lĩnh Công đảng là người thù ghét chủ nghĩa tư bản, thù ghét các tập đoàn lớn và vì thế, nhiều người hoài nghi việc nước Anh có thể hợp tác tốt với EU nếu ông Corbyn chiến thắng.

Nhìn chung thì kết quả cuộc bầu cử tại Anh không làm thay đổi quan điểm của dư luận châu Âu. Tuy nhiên, với các lãnh đạo của EU thì cuộc bầu cử này sẽ mở ra các phương án mới để giải quyết hồ sơ Brexit.

Trong tối 12/12, các lãnh đạo EU cũng đang họp Thượng đỉnh tại Brussels và nhiều nguyên thủ các nước như CH Ireland, Hà lan, hay Luxemburg đã lên tiếng cho biết là bất kể ai chiến thắng thì họ mong muốn nước Anh có một chính phủ đa số để phá thế bế tắc liên quan đến vấn đề Brexit. Với việc ông Boris Johnson chiến thắng với một đa số lớn thì như tôi phân tích ở trên, tiến trình Brexit sẽ sớm đi đến hồi kết. Đối với EU thì đó cũng là một điểm rất tích cực./.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

Bình luận

    Chưa có bình luận