Brexit trước thời khắc quyết định

Đảng Bảo thủ của ông Johnson hiện sa sút uy tín ở Anh và nội bộ năm bè bảy phái.

 

Chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) cuối cùng như thế nào hiện sắp đến kết cục cuối cùng và đồng thời với nó là số phận tương lai chính trị của đương kim thủ tướng Anh Boris Johnson. Người này hiện phải ứng phó với không chỉ có EU hay quốc hội Anh mà còn cả với nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền và dư luận.

Quốc hội Anh đã hoạt động trở lại ngay lập tức sau khi biện pháp của ông Johnson buộc quốc hội ngừng hoạt động trong thời gian 5 tuần cho dù được Nữ hoàng Anh Elizabeth II. chấp thuận đã bị toà án tối cao Anh coi là vi hiến. Trước đó, quốc hội Anh đã thông qua luật ràng buộc ông Johnson vào trách nhiệm phải đạt được thoả thuận mới với EU về Brexit trước ngày 19/10 tới và nếu không đạt được thoả thuận mới này thì phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian thực hiện Brexit, cụ thể là không phải hạn cuối cùng vào ngày 31/10/2019 mà tới tận 31/1/2020.

Quốc hội Anh không đồng ý kịch bản Brexit mà không với bất kỳ thoả thuận nào giữa EU và Anh về khuôn khổ quan hệ trong tương lai giữa EU và Anh. Ông Johnson đã đề nghị EU đàm phán lại nhưng EU không đồng ý bởi không chấp nhận những sửa đổi nội dung hay kiến nghị nội dung mới của ông Johnson. Người này lại kiên quyết bác bỏ khả năng đề nghị EU gia hạn thêm thời gian xử lý Brexit. Tình trạng bất hoà và đối đầu này vẫn dai dẳng giữa ông Johnson và EU cũng như giữa ông Johnson và quốc hội Anh mà nếu không được khắc phục thì kịch bản Brexit nhiều khả năng xảy ra nhất sẽ là nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới.

Kịch bản này giúp ông Johnson giải quyết được dứt điểm vấn đề Brexit, tạo hình ảnh và cảm nhận trong cử tri Anh là vị thủ tướng này kiên định thực hiện cam kết, giữ thể diện và vị thế cho nước Anh trong quan hệ với EU. Nhưng mối nguy hiểm đối với ông Johnson lại ở chỗ quyết định như thế là trái ngược với luật pháp hiện hành và ông Johnson sẽ không thể tránh khỏi bị kiện tụng trước toà.

Đảng Bảo thủ của ông Johnson hiện sa sút uy tín ở Anh và nội bộ năm bè bảy phái. Brexit không với thoả thuận giữa EU và Anh sẽ làm cho thảm trạng này của Đảng Bảo thủ Anh trở nên còn trầm trọng hơn. Ông Johnson lại còn vừa mới vướng vào mấy vụ bê bối, tai tiếng khi bị cáo buộc từng quấy rối tình dục phụ nữ cách đây 20 năm và lạm dụng chức quyền thời là thị trưởng thủ đô London. Tất cả những điều ấy báo hiệu là hiện chẳng có gì đảm bảo cho ông Johnson duy trì được vị thế quyền lực sau Brexit hoặc trong cuộc tổng tuyển cử mới trước thời hạn có thể được tiến hành trong thời gian tới. Khả năng ông Johnson bị cử tri phế truất hay bị nội bộ đảng cầm quyền lật đổ không phải không thực tế.

Giữa Anh và EU, mắc mớ cơ bản nhất và khó gỡ nhất hiện tại là chuyện thông thương không kiểm soát như đòi hỏi của EU hay có kiểm soát như yêu cầu của ông Johnson ở vùng biên giới giữa Ireland là thành viên EU và Bắc Ireland do Anh quản lý. Trong chuyện này, phía EU cho đến nay kiên quyết không nhượng bộ phía Anh và EU dùng mọi nhượng bộ khác cho Anh trong đàm phán và thoả thuận với Anh về Brexit để đổi lấy sự thông thương không kiểm soát cho con người, hàng hoá và dịch vụ. Ở phía Anh, người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May chấp nhận những điều kiện của EU nhưng quốc hội Anh lại không phê chuẩn. Ông Johnson tận dụng sự bác bỏ của quốc hội Anh để gây áp lực với EU và trong trường hợp EU không nhượng bộ thì lấy làm cớ để thực hiện kịch bản Brexit mà không có thoả thuận nào với EU vào ngày 31/10 tới.

Brexit hiện ở trước thời khắc quyết định chính vì thế. Đấy là cuộc đấu về khả năng kiên định nguyên tắc và kiên nhẫn giữa EU với ông Johnson và giữa ông Johnson với quốc hội Anh. Ai nhượng bộ đầu tiên sẽ bị thua thiệt nhiều nhất./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận