Ngoại giao Mỹ ở Đông Bắc Á: Triển vọng lạc quan

Hoạt động ngoại giao này của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á với kết quả như thế báo hiệu khu vực này sẽ tiếp tục biến động và sẽ sôi động còn hơn cả trước nữa.

Vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo có chuyến công du Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhìn vào lộ trình này có thể thấy được ngay mục tiêu chính mà ông Pompeo theo đuổi với sứ mệnh ngoại giao này. 
Trong thời gian còn rất ngắn ngủi kể từ khi chuyển từ Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sang làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến nay, ông Pompeo đã nhiều lần công cán khu vực Đông Bắc Á - chỉ riêng với Triều Tiên thôi thì lần này đã là lần thứ 4 - nhưng chưa khi nào trong một chuyến đi tới tất cả 4 nước trong khu vực. Những người tiền nhiệm của ông Pompeo lại càng không, vì ở thời của họ mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên rất căng thẳng và trắc trở. Đối với ông Pompeo, chuyện quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và với Trung Quốc là mục đích chính của chuyến công du, với Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ là chuyện phụ.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện ở trong tình trạng tồi tệ như chưa từng thấy kể từ một vài thập kỷ nay và triển vọng nó sẽ được cải thiện trong thời gian tới hiện lại chưa thấy ẩn hiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi từ xung khắc thương mại thuần tuý với Trung Quốc sang đối đầu với Trung Quốc cả trên một số lĩnh vực chính sách và quan hệ khác khiến cho toàn bộ mối quan hệ song phương này hiện bị thách thức nghiêm trọng. Mức độ trầm trọng này xem ra vẫn còn có thể leo thang chứ chưa dừng lại, tức là thời điểm và điều kiện hiện tại chưa thích hợp để cho Mỹ và Trung Quốc chuyển từ căng thẳng sang hoà dịu và từ đối đầu trở về hợp tác với nhau. Cho nên ngay từ đầu có thể nhận thấy là chuyến công du Trung Quốc này của ông Pompeo không thể thành công nếu cho rằng mục tiêu của nó là hàn gắn sự rạn nứt và hoá giải mối bất hoà hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. 
Nhưng nếu nhìn nhận từ giác độ khác thì sẽ lại thấy chuyến đi Trung Quốc này của ông Pompeo không hoàn toàn thất bại. Giữa bối cảnh tình hình chẳng tốt đẹp gì như thế trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông Pompeo vẫn đi Trung Quốc và phía Trung Quốc vẫn đón tiếp ông Pompeo thì lời giải thích chỉ có thể là cả hai phía đều muốn phát đi tín hiệu là không muốn làm đổ vỡ quan hệ song phương, là vẫn để ngỏ cửa cho đi vào hoà dịu với nhau, hay nói theo cách khác "giận thì còn giận, nhưng thương rồi vẫn lại sẽ thương". Hai bên là đối tác quan trọng của nhau nên dẫu có găng với nhau như thế nào cũng vẫn sẽ phải hợp tác với nhau và Mỹ vẫn cần đến Trung Quốc trong xử lý quan hệ với Triều Tiên.
Triều Tiên là chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự chuyến thăm của ông Pompeo ở ba nước kia trong khu vực. Ở những nơi này, ông Pompeo gặp nhiều thuận lợi và dễ dàng hơn. Ở Nhật Bản, ông Pompeo phải xua tan những lo ngại của phía Nhật Bản là Mỹ và Triều Tiên hoà giải nhau mà bỏ qua những đòi hỏi của Nhật Bản đối với Triều Tiên. Mặt khác, Nhật Bản đang chuẩn bị tham gia trực tiếp vào tiến trình hoà bình và hoà giải ở khu vực bằng khởi động tiến trình tương tự với Triều Tiên. Điều Mỹ quan tâm ở Nhật Bản và Hàn Quốc là thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong xử lý quan hệ với Triều Tiên để cùng tiến hoặc cùng lùi và để có kẻ tung, người hứng.
Ở Triều Tiên, sứ mệnh chính của ông Pompeo là cùng phía Triều Tiên cụ thể hoá những bước đi sắp tới bởi cuộc gặp thứ 2 giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới có hay không phụ thuộc hoàn toàn vào những tiến triển cụ thể này. Việc ông Pompeo tỏ ra hài lòng sau mấy giờ lưu lại Triều Tiên cho thấy triển vọng rất đáng lạc quan và chứng tỏ ông Pompeo đã đạt được kết quả mong đợi. Hoạt động ngoại giao này của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á với kết quả như thế báo hiệu khu vực này sẽ tiếp tục biến động và sẽ sôi động còn hơn cả trước nữa./.

Bình luận

    Chưa có bình luận