Tàu Grace 1 được thả: Iran 'lội ngược dòng' trước Mỹ?

Việc siêu tàu chở dầu Grace 1 của Iran được thả liệu có phải một chiến thắng ngoại giao để Tehran 'lội ngược dòng' trước Washington?

 

Vòng xoáy căng thẳng mới giữa Mỹ và Iran

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran lại trải qua một bước ngoặt mới khi Mỹ đưa ra cảnh báo sẽ bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran, chỉ vài giờ sau chính quyền Gibraltar tuyên bố sẽ thả con tàu này.

Trước đó, Hải quân Anh đã chặn tàu Grace 1 ngoài khơi Gibraltar do nghi ngờ tàu này chở dầu đến Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Hai tuần sau, Iran cũng bắt giữ 1 tàu chở dầu của Anh ở vịnh Ba Tư như một động thái được cho là nhằm đáp trả vụ bắt giữ trước đó của London. Tuy nhiên, tòa án Gibraltar tuyên bố thả tàu Grace 1 hôm 15/8 sau khi xác nhận rằng Anh đã nhận được đảm bảo từ Iran rằng con tàu này sẽ không chở dầu tới Syria. Động thái này của Anh dĩ nhiên khiến Mỹ không hề hài lòng.

"Bất kỳ cá nhân nào liên quan đến tàu chở dầu Grace 1 đều sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ để ngăn cản Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm của nước này sử dụng các nguồn lực nhằm kiểm soát hoặc gây bất ổn ở Syria và những nơi khác. Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và lực lượng IRGC của nước này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định hôm 15/8.

Ngoài việc cáo buộc tàu Grace 1 hỗ trợ lực lượng IRGC vận chuyển dầu tới Syria, Washington cũng đe dọa sẽ thu hồi thị thực với các thủy thủ đoàn trên siêu tàu chở dầu này. Trong khi đó, Bộ tư Pháp Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ tàu Grace 1 khi cho rằng tàu này có liên hệ về mặt tài chính với IRGC.

Mỹ đã liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố như một phần trong chiến lược gây sức ép tối đa với Iran sau khi Washington rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5/2018. Việc Washington không muốn thả tàu chở dầu Tehran được cho là nhằm giáng thêm những sức ép về kinh tế với Iran. Hàng hóa trên tàu Grace 1 trị giá khoảng 140 triệu USD, mất con tàu này cũng đồng nghĩa với việc Iran sẽ mất đi một nguồn thu đáng kể giữa bối cảnh nền kinh tế nước này đang bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Chiến thắng ngoại giao của Iran

Tàu chở dầu Grace 1 là trung tâm cuộc khủng hoảng quốc tế giữa Mỹ, Anh, Iran và một số quốc gia khác cũng như khiến vòng xoáy căng thẳng lan rộng từ Vịnh Ba Tư tới vùng biển Gibraltar.

Washington muốn dùng việc bắt giữ tàu Grace 1 như một quân bài mặc cả với Iran trên bàn đàm phán song việc siêu tàu chở dầu này được thả có thể khiến kế hoạch của Mỹ thất bại.

"Suy cho cùng, đây là một chiến thắng ngoại giao của Iran", Behnam ben Taleblu - một chuyên gia cấp cao tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ nhận định với tờ Washington Examiner.

Trên thực tế, chiến lược gây sức ép tối đa với Iran của Mỹ không thu được những kết quả như mong đợi bởi chính sách này đang khiến Washington ngày càng xa rời đồng minh cũng như làm dấy lên những lo ngại về vòng xoáy bất ổn không ngừng leo thang tại vùng Vịnh.

Như ông Ben Taleblu đánh giá: "Sức ép tối đa cũng cần những thành công về mặt ngoại giao và điều này lẽ ra nên là một trong những điều nên được cân nhắc". Mỹ sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu sức ép tối đa không đi cùng những giải pháp ngoại giao.

Một số nhà quan sát nhận định Iran dường như đã giành chiến thắng trong việc cô lập Mỹ. Tehran muốn chứng tỏ rằng nước này có thể xoay xở trước các lệnh trừng phạt của Washington đồng thời thể hiện rằng việc gây sức ép tối đa của Mỹ là một chiến lược sai lầm bởi nó không chỉ là cơ sở để các đối thủ của Mỹ hợp tác với nhau mà còn là nguyên nhân khiến các đồng minh ngày càng xa lạ với nước này. Mỹ nói Iran đang chịu sức ép tối đa. Còn Iran muốn bước vào bàn đàm phán với một vị thế bình đẳng với Mỹ và cho thấy nước này cũng có thể gây sức ép với các bên khác, không chỉ ở tại vùng Vịnh mà có thể xa hơn, chẳng hạn như London, sau khi tàu chở dầu Grace 1 được thả.

Hải quân Anh vây bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Ảnh: EPA

Anh “bênh” Iran hay đứng về phía Mỹ?

Trong mối quan hệ với Mỹ và Iran, Anh ở trong một tình thế khá khó xử. London là đồng minh của Washington. Tuần trước, Anh cho biết sẽ tham gia vào sáng kiến an ninh hàng hải trên biển của Mỹ. Trong chuyến thăm London vừa rồi, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng kêu gọi chính phủ Anh cần có lập trường cứng rắn hơn với Iran.

Tuy nhiên, Anh cũng là một bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 và London không hề muốn thỏa thuận này sụp đổ. Dù chịu sức ép từ phía Mỹ song việc thả tàu Grace 1 khiến Anh kỳ vọng Iran cũng có động thái tương tự khi thả tàu Stena Empero của nước này như Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng tuyên bố: "An ninh đổi an ninh, hòa bình đổi hòa bình và dầu mỏ đổi dầu mỏ".

Để cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, Anh trở nên thận trọng hơn. Bằng cách gạt những vấn đề pháp lý sang một bên, Anh muốn Iran hiểu rằng, không giống như Mỹ, việc nước này quan tâm trong vụ bắt giữ tàu chở dầu của Tehran là điểm đến (Syria) chứ không phải nguồn dầu mỏ (Iran). Điều này tức là London đang khẳng định rằng nước này không có ý định đối đầu với Tehran.

Tuy nhiên, giữa cơn khủng hoảng Brexit, Anh cần một thỏa thuận thương mại với Mỹ và sẽ không ai nói trước được một ngày nào đó lập trường của London với Iran có thay đổi hay không. Dù vậy, việc phớt lờ ông John Bolton khi Anh quyết định thả tàu chở dầu của Iran đã cho thấy London muốn giữ vai trò trung lập trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại vùng Vịnh.

Hơn nữa, Anh hiểu rằng chừng nào mà tàu Grace 1 vẫn bị giữ thêm thì chừng đó London vẫn còn bị cuốn sâu vào những căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng như cuộc khủng hoảng bắt giữ tàu chở dầu trên vùng Vịnh không biết bao giờ sẽ chấm dứt./.

Kiều Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận