Trump áp thuế với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, đàm phán thêm 'trắc trở'

Việc Tổng thống Trump thông báo áp thuế bổ sung 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khiến tiến trình đàm phán Mỹ-Trung trở nên 'trắc trở' hơn.

 

Trump đột ngột áp thuế hàng hóa Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo ông có kế hoạch áp 10% thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 và mức thuế này có thể sẽ tăng thêm nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nhanh chóng có các động thái nhất định để tiến tới một thỏa thuận thương mại.

Thông báo này đã cho thấy Tổng thống Trump đang mở rộng việc áp thuế đối với Trung Quốc khi gần như tất cả hàng hóa của nước này đều bị Mỹ đánh thuế. Động thái trên đã làm gián đoạn đột ngột hiệp định đình chiến thương mại giữa 2 bên cũng như ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tài chính.

"Tôi nghĩ ông Tập cũng muốn một thỏa thuận nhưng thành thật mà nói thì ông ấy không đủ nhanh để thực hiện điều này", Tổng thống Trump cho biết.

Tổng thống Trump đưa ra thông báo áp thuế với Trung Quốc trong một loạt dòng trạng thái đăng tải trên Twitter sau khi các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ trình bày lại với ông về những hạn chế trong tiến trình đàm phán Mỹ - Trung tại Thượng Hải tuần này.

Người đứng đầu Nhà Trắng sau đó cũng cho biết nếu đàm phán thương mại không đạt tiến triển, ông sẽ nâng mức thuế, thậm chí hơn cả con số 25% như đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hiện nay.

Thông báo mới của Tổng thống Trump được cho là một "cú đánh mạnh" vào thị trường tài chính Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi về tác động này, ông Trump phát biểu với báo giới rằng: "Tôi chẳng quan tâm chút nào về điều ấy".

Theo các chuyên gia, đợt áp thuế mới này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở cả Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro. Ngoài ra, việc này cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất để bảo vệ kinh tế Mỹ khỏi các nguy cơ từ chính sách thương mại này.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, việc Mỹ áp thuế bổ sung với Trung Quốc cũng làm giảm triển vọng về một thỏa thuận giữa hai quốc gia. Bắc Kinh sẽ cần nỗ lực nhiều hơn để xoay xở trong cuộc thương chiến trường kỳ, ông Hu Xijin, Tổng biên tập tờ báo này viết trên Twitter.

"Mức thuế mới sẽ không khiến Mỹ tiến gần hơn một thỏa thuận nước này mong muốn mà chỉ đẩy nó đi xa hơn", ông Hu nhận định.

Tiến trình bế tắc

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã báo cáo kết quả của cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa phía Mỹ và các quan chức Trung Quốc với Tổng thống Trump kể từ khi 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019 và nhất trí đình chiến thương mại.

Tổng thống Trump cho biết hai bên sẽ có một cuộc gặp nữa vào đầu tháng 9/2019 và vẫn tiếp tục các cuộc thảo luận, song cho tới khi đạt được một thỏa thuận thương mại, Mỹ vẫn sẽ áp thuế Trung Quốc.

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết Tổng thống Trump ngày càng mất kiên nhẫn với quá trình đàm phán Mỹ - Trung bởi ngay sau khi ông Lighthizer và ông Mnuchin thông báo với ông rằng Trung Quốc không có bất kỳ tiến triển nào đáng kể, Tổng thống Trump đã đăng một loạt tweet, trong đó có nói về việc sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán trước đó giữa Bắc Kinh và Washington đã sụp đổ hồi tháng 5/2019 khi phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết. Các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đều "đứng ngồi không yên" trước vòng áp thuế mới nhất của Mỹ. Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung nhận định ngày 2/8 rằng động thái này "sẽ đẩy Trung Quốc khỏi bàn đám phán và làm giảm hy vọng về kết quả của các cuộc trao đổi giữa 2 bên tại Thượng Hải trong tuần này".

Ông Ker Gibbs - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục các cuộc trao đổi. Ông Gibbs nhận định việc tiếp cận thị trường Trung Quốc "vẫn còn những hạn chế không cần thiết. Do đó, Washington nên tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh và "hợp tác với các quốc gia cùng mục đích để thuyết phục Trung Quốc thực hiện các hoạt động thương mại và đầu tư công bằng, có qua có lại cũng như đem đến lợi ích cho tất cả các bên".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bước vào cuộc gặp song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Tác động của các đòn thuế quan

Động thái áp thuế mới đây của Tổng thống Trump khiến nhiều người bất ngờ sau những tín hiệu tích cực giữa 2 bên vào đầu tuần này.

Quyết định của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các cố vấn cấp cao của ông quay trở về từ các cuộc trao đổi thương mại với những người đồng cấp Trung Quốc ở Thượng Hải. Hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy 2 bên đã đạt được những tiến triển thực sư.

Tổng thống Mỹ cho biết Trung Quốc đã "thất hứa" về việc mua nông sản của Mỹ cũng như ngừng bán thuốc giảm đau Fentanyl sang nước này. Các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện gần đây của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn - người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc. Ông Chung Sơn là một người có quan điểm cứng rắn, trái ngược với Phó Thủ tướng Lưu Hạc - người dường như cởi mở hơn trong việc đưa ra những thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc mà Mỹ mong muốn.

Mặc dù Tổng thống Trump gọi mức thuế 10% chỉ là một con số "nhỏ" song nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc thương chiến Mỹ - Trung trường kỳ này.

Các nông dân Mỹ chịu một "cú đánh mạnh" trước các đòn đáp trả thuế quan của Trung Quốc. Khi thị trường lớn nhất của các nông dân trồng đậu nành Mỹ là Trung Quốc dừng mua mặt hàng này từ mùa hè năm ngoái để đáp trả việc Tổng thống Trump áp thuế, cuối năm 2018, lượng đậu nành tồn kho của Mỹ đã ở mức cao kỷ lục.

Vòng áp thuế mới của Mỹ với Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà bán lẻ của Mỹ. Matt Priest - một nhà bán lẻ của Mỹ nhận định: "Tổng thống Trump đang sử dụng các gia đình Mỹ như một con tin trong cuộc đàm phán thương mại của ông ấy".

Bất kể thông báo áp thuế bổ sung, Tổng thống Trump vẫn khẳng định đàm phán thương mại Mỹ - Trung ở Thượng Hải tuần này là "mang tính xây dựng" và ông mong chờ sẽ có nhiều "cuộc đối thoại" tích cực hơn giữa hai bên. Đoàn đàm phán Trung Quốc có kế hoạch sẽ tới Washington để thảo luận vào tháng tới song hiện chưa rõ liệu việc áp thuế này có thay đổi kế hoạch trên hay không./.

Kiều Anh/VOV.VN (tổng hợp)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận