Chuyện tàu hàng và tàu chiến ở vùng Vịnh

Với việc bắt giữ tàu thuyền của nhau, Anh không chỉ đứng về phe Mỹ trong mối bất hoà hiện tại giữa Mỹ và Iran mà còn xung khắc trực tiếp với Iran.

 

Phía Anh đã bác bỏ đề nghị của Iran về hoán trả tàu của bên này bị phía bên kia bắt giữ. Hồi đầu tháng 7, hải quân Anh đã bắt giữ con tàu chở dầu lửa Grace1 của Iran ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar. Sau đấy không lâu, phía Iran bắt giữ con tàu Stena Impero của Anh ở vùng Vịnh. Anh không chỉ đứng về phe Mỹ trong mối bất hoà hiện tại giữa Mỹ và Iran mà còn xung khắc trực tiếp với Iran.

Hình ảnh máy bay không người lái của IRGC ghi lại được về vụ bắt giữ tàu Stena Impero. (Ảnh: IRGC)Chuyện mới này giữa Anh và Iran đã thôi thúc Mỹ vận động các đồng minh và đối tác liên kết thực hiện kế hoạch được Mỹ đặt tên là Sentinel với nội dung cụ thể là các nước cử tàu chiến của họ hộ tống tàu chở hàng của họ đi lại ở khu vực vùng Vịnh, Mỹ chỉ trợ giúp chứ không làm thay. Cho đến nay, mới chỉ có rất ít đồng minh và đối tác của Mỹ tham gia kế hoạch này của Mỹ. Chính phủ trước đây ở Anh chủ trương EU thực thi riêng hoạt động này chứ không chung với Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ hiện tại ở Anh - vừa mới được thành lập cách đây ít ngày với tân thủ tướng là ông Boris Johnson - hiện có dấu hiệu nghiêng ngả quan điểm và không loại trừ sẽ chuyển sang sát cánh cùng Mỹ. Chính phủ Mỹ đã chính thức đề nghị Đức tham gia nhưng Đức từ chối. Cả Pháp cũng không sẵn sàng tham gia.

Vấn đề mấu chốt trong chuyện tàu chiến và tàu hàng này ở vùng Vịnh là các đồng minh và đối tác của Mỹ đều phải cân nhắc kỹ càng về lợi ích kinh tế và chính trị. Phụ hoạ theo Mỹ sẽ giúp họ tranh thủ Mỹ nhưng tham gia trên thực tế kế hoạch Sentinel của Mỹ đồng nghĩa với chấp nhận gánh nặng tài chính mới, khúc mắc trong quan hệ với Iran và sẽ không tránh khỏi bị vạ lây bởi mối bất hoà và xung khắc giữa Mỹ và Iran. Mức độ vạ lây này sẽ trở nên càng thêm tai hại đối với họ trong trường hợp xảy ra kịch bản đụng độ quân sự hay chiến tranh trực diện giữa Mỹ và Iran. Iran đã tuyên bố coi việc các nước đưa tàu chiến đến hộ tống tầu hàng ở vùng Vịnh là hành động khiêu khích.

Tàu chở dầu Stena Impero bị Iran bắt khi đang di chuyển qua eo biển Hormuz (Ảnh: KT)Đối với Mỹ, việc này đơn giản vì hải quân Mỹ rất mạnh, Mỹ chỉ có ít tầu thuyền chở dầu lửa qua lại ở vùng Vịnh và Mỹ thừa hiểu phía Iran sẽ rất tránh để xảy ra đụng độ trực tiếp với Mỹ. Bản thân Mỹ cũng có chủ định ấy và việc dùng tầu chiến hộ tống tàu hàng qua lại vùng Vịnh phục vụ mục tiêu hàng đầu và trước hết của Mỹ là răn đe và cảnh báo Iran nên phải kiềm chế phản ứng và kiểm soát hành động để không xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh. Iran cũng có mục tiêu răn đe và cảnh báo Mỹ tương tự, nhưng lại có cách thực hiện khác Mỹ.

EU bị giằng xé giữa nhu cầu đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của EU qua lại ở khu vực vùng Vịnh nhưng gặp khó khăn và khó xử lớn với ý tưởng về cử tàu chiến hộ tống tầu hàng ở khu vực vùng Vịnh. EU là liên minh của nhiều quốc gia chứ không phải là một quốc gia riêng rẽ như Mỹ hay Anh. Trong nội bộ EU rất khó, nếu như không muốn nói là sẽ không thể có được sự đồng thuận quan điểm cần thiết để có thể thực hiện ý tưởng này. Một khi vẫn còn muốn Iran tiếp tục tuân thủ thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) thì EU lại càng không thể hùa theo Mỹ trong đối đầu với Iran, không thể giúp Mỹ thực thi sách lược "gia tăng áp lực tối đa" đối với Iran. Cả về thể diện, EU cũng khó lòng chấp nhận tham gia vào kế hoạch do Mỹ chủ xướng ý tưởng và dẫn dắt quá trình triển khai thực hiện.

Từ đó có thể thấy, các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới xung khắc hiện tại giữa Mỹ và Iran từ nay sẽ rất kiềm chế với việc bắt giữ tàu thuyền của nhau và sẽ còn tỏ ra rất găng và quyết liệt với nhau, nhưng không phải hướng tới mà để tránh đụng độ quân sự hay chiến tranh với nhau.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận