Kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vừa qua cho thấy phe liên minh cầm quyền của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn bảo vệ được quyền kiểm soát Thượng viện.
Ở Nhật Bản, cứ ba năm một lần lại có cuộc bầu mới một nửa số thành viên của Thượng viện. Tuy không có quyền bầu và phế truất thủ tướng, Thượng viện vẫn là một trong hai cơ quan lập pháp quyền uy nhất ở Nhật Bản. Đáng kể nhất là chỉ có Thượng viện mới có quyền sửa đổi hay thay đổi hiến pháp hiện hành với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số dân biểu trong Thượng viện.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm nay, cử tri Nhật Bản bầu lại 124 vị thượng nghị sĩ, trong đó có 70 được bầu trực tiếp và 54 được phân bổ theo tỷ lệ phiếu bầu cho danh sách ứng cử viên của các đảng phái chính trị. Số lượng thành viên của Thượng viện được phân bổ cho các tỉnh và vùng theo tỷ trọng dân số ở tỉnh và vùng ấy.
Kết quả bầu cử của cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra ngày 21/7 vừa qua cho thấy phe liên minh cầm quyền của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bao gồm Đảng Dân chủ tự do (LDP) mà ông Abe là chủ tịch với đảng Komeito vẫn bảo vệ được quyền kiểm soát được Thượng viện, nhưng không giành về được đa số hai phần ba trong Thượng viện và thậm chí còn bị mất một vài ghế so với số ghế đã từng đạt được hồi năm 2013. Đây cũng còn là lần thứ 5 liên tiếp, ông Abe và đảng LDP thắng cử trong các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện ở Nhật Bản.
Với đa số hiện đã có trong Hạ viện và giờ bảo vệ được đa số trong Thượng viện, ông Abe và liên minh chính phủ hai đảng có thể yên ổn cầm quyền cho đến hết thời hạn của nhiệm kỳ hiện tại của Hạ viện, đúng hơn thì phải nói là ít nhất như thế bởi không thể loại trừ khả năng ông Abe lại ứng cử một lần nữa và phe cánh chính trị cầm quyền lúc này ở Nhật Bản lại đắc cử ở lần bầu cử Hạ viện tới. Chỉ cần cầm quyền cho tới hết nhiệm kỳ hiện tại thôi, ông Abe đã lập kỷ lục ở Nhật Bản về thời gian cầm quyền liên tục.
Trong thắng cử này lại có vị đắng đối với ông Abe. Một trong những mục tiêu chính trị được ông Abe kiên định theo đuổi từ khá lâu nay là sửa đổi, thậm chí cả thay hiến pháp hiện hành. Muốn làm được việc ấy, ông Abe và phe cầm quyền cần phải có được sự ủng hộ của đa số ít nhất hai phần ba trong Thượng viện. Ông Abe và phe cầm quyền không đạt được mục tiêu này trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Với 49% tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lần này thấp và đấy là một trong những lý do. Nhưng lý do chính là đa số cử tri Nhật Bản trong lần bầu cử Thượng viện này muốn để cho ông Abe có thể tiếp tục yên ổn cầm quyền nhưng không muốn ông Abe tiến hành sửa đổi hay thay đổi hiến pháp hiện hành. Họ để cho ông Abe và phe cầm quyền vẫn có được đa số trong Thượng viện nhưng chưa đủ để có thể sửa đổi hay thay đổi cả hiến pháp hiện hành vào thời điểm hiện tại. Họ không hẳn hoàn toàn hài lòng với thành tựu cầm quyền của ông Abe cho tới nay nhưng xem ra lại phải thấy ông Abe vẫn hơn hẳn so với những chính trị gia khác và phe cầm quyền vẫn hơn hẳn phe đối lập về nội dung chính sách cầm quyền.
Với kết quả bầu cử này, ông Abe và liên minh hai đảng cầm quyền ở Nhật Bản không có lý do gì và bị chịu áp lực gì để phải điều chỉnh chính sách cầm quyền trong thời gian tới, về đối nội cũng như đối ngoại. Sự ổn định chính trị xã hội thể hiện ra bên ngoài này không đồng nghĩa với việc các vấn đề cấp thiết đối với đất nước này mà cho tới nay ông Abe vẫn chưa giải quyết được có triển vọng sáng sủa hơn và sẽ được giải quyết. Ông Abe và phe cầm quyền củng cố được quyền lực và có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc bảo vệ vị thế cầm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện tới. Sự kiện này còn quan trọng và đáng kể hơn gấp bội đối với ông Abe, đối với đảng LDP và liên minh cầm quyền.