Chính trị gia Boris Johnson - cựu thị trưởng London, đã được bầu làm tân lãnh đạo của đảng Bảo thủ Anh trong cuộc bỏ phiếu của các đảng viên đảng này, và do vậy ông sẽ trở thành Thủ tướng Anh kế nhiệm bà Theresa May.
Theo BBC, ông Johnson đánh bại đối thủ cùng đảng, ông Jeremy Hunt. Ông Johnson giành được 92.153 phiếu bầu, còn số phiếu của ông Hunt là 46.656.
Ông Johnson mở đầu diễn văn chiến thắng bằng việc ca ngợi người tiền nhiệm của mình, và nói rằng ông có vinh hạnh được phục vụ trong nội các của bà. Bộ phận kiểm phiếu đã nhận được gần 160.000 lá phiếu, như vậy tỷ lệ đảng viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu ở mức 87,4%.
Đây là kết quả không bất ngờ bởi ngay từ khi cuộc đua giành chức thủ lĩnh đảng Bảo thủ Anh diễn ra sau tuyên bố từ chức của bà Theresa May đầu tháng 6/2019, ông Boris Johnson đã luôn được coi là ứng cử viên số 1, bỏ xa các đối thủ khác nhờ có được sự ủng hộ đông đảo của các đảng viên cơ sở của đảng Bảo thủ. Đây là những người mang quan điểm cứng rắn về Brexit và luôn cho rằng chỉ có ông Boris Johnson là người chắc chắn sẽ thực thi Brexit vào tháng 10/2019 tới bằng mọi giá nếu lên nắm quyền, bất chấp các tranh cãi xung quanh việc ông Boris Johnson có thể đẩy nước Anh vào tình thế nguy hiểm khi rời EU mà không có thoả thuận.
Trong chiều ngày 24/7, ông Boris Johnson sẽ tiếp kiến Nữ hoàng Anh và chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, thay thế bà Theresa May với nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp quản tiến trình Brexit, đưa nước Anh rời khỏi EU một cách thành công.
Đây sẽ là thách thức nặng nề với ông Boris Johnson bởi chính đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh cũng đang bị chia rẽ nghiêm trọng do hồ sơ Brexit và sau tiến trình bầu chọn lãnh đạo vừa qua.
Ngay trong sáng 23/7, một loạt các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ đã lên tiếng cảnh báo rằng ông Johnson sẽ không thể giữ ghế Thủ tướng Anh lâu dài chừng nào không từ bỏ hẳn ý định đưa nước Anh rời khỏi EU mà không có thoả thuận Brexit. Nhóm này, với hạt nhân là 42 nghị sĩ đảng Bảo thủ, có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Johnson ngay khi có dấu hiệu ông Johnson thực thi một chính sách phiêu lưu về Brexit. Các thông điệp này cho thấy, ông Johnson sẽ phải điều hành chính phủ với một đa số ủng hộ rất mong manh tại Nghị viện Anh.
Cũng trong ngày 23/7, ít nhất 3 Bộ trưởng quan trọng trong chính phủ Anh là Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke và Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart, sẽ từ chức để phản đối ông Boris Johnson. Đương kim Ngoại trưởng và là đối thủ của ông Johnson, ông Jeremy Hunt dự tính cũng sẽ hành động tương tự trong ít giờ tới. Trong ngày 22/7, một đồng sự của ông Hunt tại Bộ Ngoại giao Anh là ông Alan Duncan, Quốc vụ khanh phụ trách châu Âu và châu Mỹ, đã từ chức vì không muốn phục vụ trong chính phủ của ông Johnson.
Bên cạnh các chia rẽ trong nội bộ nước Anh, ông Boris Johnson sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều từ phía EU, đó là phải đàm phán được một thoả thuận Brexit mới có lợi hơn thoả thuận mà chính phủ của bà Theresa May đã đạt được hồi tháng 11/2018.
Đa số giới phân tích cho rằng việc này là bất khả thi bởi EU luôn từ chối mọi kịch bản đàm phán lại thoả thuận Brexit, đặc biệt trong bối cảnh khối này vẫn chưa định hình bộ khung lãnh đạo mới dưới thời tân Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen.
Với việc chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến thời hạn 31/10/2019, trong đó lại có tới hơn 1 tháng chính trường tất cả các nước châu Âu tạm nghỉ Hè, khả năng chính phủ của ông Boris Johnson đạt được một điều gì đó mới về Brexit là gần như không có. Kịch bản khả thi nhất, là Brexit sẽ lại tiếp tục được tạm hoãn đến sau ngày 31/10, phương án được chính Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen ủng hộ.
Trong trường hợp ông Boris Johnson muốn thực thi Brexit bằng mọi giá, kể cả không thoả thuận, vào ngày 31/10/2019, nước Anh nhiều khả năng sẽ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tiên lên làm Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson sẽ phải ngay lập tức đối mặt với cuộc khủng hoảng Iran liên quan đến việc Anh và Iran bắt giữ tàu chở dầu của nhau. Áp lực với ông Johnson đang rất lớn trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ vừa tuyên bố không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với Iran và nước Anh phải tự bảo vệ các tàu chở dầu của mình./.
Trung Hiếu-Quang Dũng/VOV