Hồ sơ hạt nhân Iran: Chiến lược cháy chậm hay sức ép tối đa sẽ thắng?

Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố tiếp tục 'sức ép tối đa' sau khi Iran bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ cao hơn quy định trong thỏa thuận hạt nhân.

 

Iran ngày 7/7 tuyên bố nước này bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ cao hơn 3,67% như đã nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vài tháng trước, Iran từng nói cấp độ làm giàu urani có thể là 3,7%, và ngày 6/7, Tehran thậm chí đã đề cập tới con số 5%. Tuy nhiên trong tuyên bố ngày 7/7, Iran không nhắc đến con số cụ thể.

Đây là động thái mới nhất sau tuyên bố hồi tuần trước rằng, Iran đã dự trữ lượng urani cấp độ thấp vượt mức 300kg như đã đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Daily Star

Chiến lược hạt nhân “cháy chậm” của Iran

Trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran từng làm giàu urani cấp độ 20%, một yếu tố cần thiết tới 90% cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Theo phân tích của CNN, động thái tuyên bố làm giàu urani ở cấp độ cao hơn so với quy định trong thỏa thuận của Iran thực chất chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Việc dự trữ hàng trăm kg, thậm chí hàng tấn urani làm giàu ở cấp độ như 3,67% hay thậm chí là 5% hoàn toàn không có tác dụng đối với việc chế tạo một quả bom hạt nhân.

Việc gia tăng cấp độ làm giàu urani này thực chất là để gây sức ép với các nước châu Âu. Iran muốn buộc các nước châu Âu phải tạo một cơ chế mà trong đó họ có thể nới lỏng tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, dù ít có khả năng châu Âu có thể làm điều này. Nhiều công ty châu Âu không muốn mạo hiểm đánh mất công việc làm ăn ở Mỹ bằng cách thực hiện thỏa thuận với Iran.

Tuy nhiên, “Các động thái mới về việc làm giàu và dự trữ urani cũng đã tạo ra đòn bẩy cho chính quyền Iran và nhằm ngăn cản chính sách gây sức ép của Mỹ bằng cách nâng triển vọng về các động thái xa hơn nếu các biện pháp trừng phạt không được dỡ bỏ”, ông Behnam Ben Taleblu, một chuyên gia về Iran từng làm cố vấn cho chính quyền Trump cho biết.

Iran tuyên bố sẽ tiếp tục rút bớt cam kết của mình với thỏa thuận hạt nhân mỗi 60 ngày nếu các bên còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga không thể giúp giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt. Điều này có nghĩa là sự leo thang sẽ gia tăng một cách chậm rãi và dường như Iran đang thực sự hy vọng kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump và nối lại thỏa thuận với người kế nhiệm của ông.

Mỹ tiếp tục chiến lược sức ép tối đa

Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục chiến lược “sức ép tối đa” đối với Iran sau khi nước này tuyên bố bắt đầu làm giàu urani cấp độ cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015.

“Các lãnh đạo Iran đang sử dụng việc làm giàu urani để "tống tiền" thế giới. Như Tổng thống Trump đã nói, Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Sức ép tối đa sẽ tiếp tục cho đến khi chính quyền Iran loại bỏ tham vọng hạt nhân và các hành xử ngoài vòng pháp luật của mình”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018, Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng ông muốn đàm phán một thỏa thuận mới với Iran, nhưng ông vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với Iran, thậm chí đưa thêm quân tới khu vực để chuẩn bị cho khả năng sẽ có lựa chọn quân sự.

Ông Trump cũng nhiều lần thể hiện rằng ông sẵn sàng thực hiện chính sách ngoại giao riêng của mình nếu ông không nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, các quan chức và giới phân tích cho rằng, trong trường hợp Iran, thì ông Trump cần sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu.

Michael O’Hanlon, một nhà nghiên cứu cấp cao về chiến lược quốc phòng Mỹ tại Viện Brooking nói rằng, chiến lược của chính quyền Trump nằm ở các biện pháp trừng phạt mà các nước đang áp đặt để có thể tạo “những điều kiện có lợi cho đàm phán và một thỏa thuận mới”.

Ông Trump đã từng “đánh” cả Iran và Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của họ. Triều Tiên đã đồng ý đối thoại với giới chức Mỹ, còn Iran thì không. Tuy nhiên, bất chấp 3 cuộc gặp giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên vẫn làm được rất ít ngoài những bước đi nhỏ cần thiết để phi hạt nhân hóa. Triều Tiên đã khôi phục các vụ thử tên lửa tầm ngắn, dù nước này đã ngừng thử hạt nhân.

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 5/2018, thỏa thuận vẫn được duy trì nhưng Iran đã có nhiều động thái cứng rắn hơn. Nhiều người đổ lỗi cho quyết định đơn phương của ông Trump.

“Phần còn lại của thế giới sẽ nhìn vào điều đó và nói rằng "chính anh [nước Mỹ] đã vi phạm trước’”, theo ông Kenneth Pollack, từng làm nhà phân tích cho CIA và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.

Theo Pollack, ông Trump muốn đàm phán nhưng Iran dường như lại không muốn làm vậy lúc này. Chỉ 2 tuần trước, sau vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ, Iran đã tuyên bố điều đó “đóng cửa vĩnh viễn đối với con đường ngoại giao”.

“Cách tiếp cận tổng thể của Tổng thống Trump là tự đánh bại mình”, Pollack nói. “Việc rút khỏi thỏa thuận theo cách ông làm đã tạo thêm sức mạnh cho những quan điểm cứng rắn của Iran - những người vốn luôn hoài nghi về thỏa thuận này. Ông ấy muốn một thỏa thuận tốt hơn những gì chính quyền Obama đã đạt được. Đó là tất cả những gì ông ấy quan tâm. Nhưng ông lại đang ở một vị thế rất khó khăn”.

Các đồng minh của Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và thậm chí còn nghi ngờ việc ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, và kể cả là sau năm 2020 nếu ông Trump tái đắc cử./.

Thùy Linh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận