Diễn biến quan trọng mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên

Có lẽ không có mấy ai ngờ rằng lần gặp nhau thứ ba giữa ông Trum và ông Kim diễn ra nhanh chóng đến như vậy và theo cách rất đặc biệt.

Việc tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rồi sẽ gặp lại nhau sau hai lần đã gặp nhau là điều có thể dự liệu. Nhưng có lẽ không có mấy ai ngờ rằng lần gặp nhau thứ ba giữa hai người này diễn ra nhanh chóng đến như vậy và theo cách rất đặc biệt.

Ông Trump đến Nhật Bản tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 được tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản vào cuối tháng 6 vừa qua. Tại Osaka, ông Trump có phát biểu rằng sau đấy sẽ tới thăm Hàn Quốc và sẽ đến khu phi quân sự thuộc giới tuyến quân sự tạm thời phân chia bán đảo Triều Tiên.

Lần trước tới thăm Hàn Quốc, ông Trump không tới vùng này được do thời tiết xấu. Tất cả những người tiền nhiệm của ông Trump trên cương vị tổng thống Mỹ đều tới vùng giới tuyến này mỗi khi tới thăm Triều Tiên, đều đứng ở phía Hàn Quốc nhìn sang phía Triều Tiên. Ông Trump ngỏ ý muốn gặp ông Kim Jong-un ở chính nơi này, "chỉ để bắt tay và nói Xin chào", theo đúng như lời của ông Trump.

Từ phát biểu bị cho là ngẫu hứng và phần nào bông đùa ấy mà rồi trở thành cuộc gặp nhau lần thứ 3 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un. Hai người này nói chuyện với nhau trong thời gian 80 phút. Có 3 điều ở sự kiện này khiến cho bản thân nó khác biệt nhiều so với hai lần gặp nhau trước đó ngoài việc đấy không hẳn là một cuộc gặp cấp cao chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.

Thứ nhất, ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Bàn Môn Điếm, nơi không chỉ là ranh giới hiện tại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mà năm 1953 còn là địa điểm ký kết thoả thuận về đình chiến trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, ông Trump là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, tức là không chỉ nhìn sang phía lãnh thổ Triều Tiên mà còn bước chân sang lãnh thổ Triều Tiên. Thứ ba, lần đầu tiên và lại ở chính Bàn Môn Điếm có cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trump, ông Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Một sự kiện đặc biệt như thế và có ý nghĩa lịch sử độc đáo như thế nên không thể có chuyện ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau mà không đạt kết quả gì. Hai người này nhất trí với nhau nối lại đàm phán hoà bình và hoà giải mà vấn đề cốt lõi cần được giải quyết là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như việc Mỹ dỡ bỏ những biện pháp chính sách trừng phạt Triều Tiên. Ông Trump còn nhắc lại lời mời ông Kim Jong-un tới thăm Mỹ.

Những kết quả này không phải nhiều, nhưng lại rất cơ bản mà hàm chứa thông điệp là chuyện đàm phán hoà bình và hòa giải giữa hai nước này lại được tiến hành. Hai người này chỉ nhất trí nối lại đàm phán hoà bình và hoà giải thôi chứ chưa đưa ra được lối thoát ra khỏi thực trạng trì trệ hiện tại, cụ thể là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên như thế nào và Mỹ dỡ bỏ các biện pháp chính sách trừng phạt Triều Tiên theo lộ trình cụ thể ra sao. Tức là đàm phán được nối lại nhưng chưa có gì hiện tại có thể đảm bảo chắc chắn rằng lần đàm phán này sẽ thành công hoặc ít nhất thì cũng thành công hơn những lần trước.

Dù sao thì sự kiện lịch sử này cũng vẫn có được ý nghĩa rất tích cực đối với chuyện hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Cứ phải có khởi hành lên đường thì rồi mới có ngày đi được tới đích và càng đi được xa thì khả năng bị quay ngược càng nhỏ bớt.

Bên ngoài có thể dễ dàng nhận thấy sự trái ngược rất rõ ràng bởi gần như hoàn toàn giữa cách thức ông Trump xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và quan hệ của Mỹ với Iran cho dù cùng chuyện mắc mớ và cùng vấn đề cần phải giải quyết là chương trình tên lửa và hạt nhân của hai nước này.

Bình luận

    Chưa có bình luận