Vùng Vịnh bên bờ vực chiến tranh

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn rất căng thẳng và thù địch nhưng chưa bao giờ leo thang đến mức độ quyết liệt như hiện tại.

 

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn rất căng thẳng và thù địch kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, nhưng chưa bao giờ leo thang đến mức độ quyết liệt như hiện tại.

Hai bên hiện chẳng khác gì trực diện nhau ở hai bờ chiến tuyến mà bất cứ lúc nào chiến tranh cũng có thể bùng nổ. Mà như thế lại còn giữa nhiều lần quả quyết của hai bên là không có ý gây chiến với nhau và không muốn chiến tranh xảy ra với nhau.

Lần này xô đẩy nhau đến bên bờ vực chiến tranh do Mỹ khởi xướng trước hết. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran, không chỉ có như ở thời trước khi có thoả thuận này mà còn xiết chặt mức độ và mở rộng phạm vi trừng phạt Iran. Ông Trump dùng những chiêu thức ấy với ý định ép buộc Iran phải đàm phán lại với Mỹ về vấn đề hạt nhân của Iran, chấp nhận đàm phán với Mỹ cả về chương trình tên lửa của Iran và buộc Iran phải thay đổi quan điểm chính sách đối với những đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực. Ông Trump cho rằng bằng cách gia tăng áp lực tối đa đối với Iran thì Iran rồi cũng sẽ phải bị Mỹ khuất phục.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran chưa bao giờ leo thang đến mức độ quyết liệt như hiện tại (ảnh: KT)Mới đây, ông Trump đã triển khai thêm quân đội và vũ khí đến trước cửa ngõ của Iran. Mỹ vận động thành lập liên quân cùng Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Iran. Sau khi Iran bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, phía Mỹ cho biết đã triển khai kế hoạch tấn công trả đũa Iran nhưng rồi ông Trump đã thay đổi quyết định vào phút cuối. Sau đấy, ông Trump đã áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt Iran, nhằm trực diện vào lãnh đạo cao cấp nhất của Iran. Trên thực địa ở vùng Vịnh chưa xảy ra thêm vụ việc nào nữa, nhưng giữa Mỹ và Iran leo thang mức độ thù địch trong cuộc khẩu chiến vô tiền khoáng hậu cho tới nay.

Tình thế khó xử, thậm chí còn có thể được coi là bi hài kịch giống nhau của cả hai bên là cả hai đều quả quyết không muốn chiến tranh và không chủ động gây chiến với nhau nhưng lại xô đẩy nhau tới bên bờ vực của chiến tranh, cả hai đều phải tránh để chiến tranh xảy ra nhưng lại luôn thể hiện là sẵn sàng chiến tranh với nhau, cả hai đều biết rằng không thể chiến tranh với nhau nhưng lại chưa thể đối thoại được với nhau, cho dù ông Trump nhiều lần quả quyết là sẵn sàng gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo Iran.

Iran bị Mỹ đẩy vào tình thế buộc phải sống mái với Mỹ và lần đối địch nhau này xem ra mới là lần quyết định nhất. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận nói trên và sau khi các nước khác tham gia ký kết thoả thuận không đảm bảo được lợi ích chính đáng của Iran nếu Iran tiếp tục tuân thủ thoả thuận thì việc Iran ngừng thực thi thoả thuận ấy là lô gic và không khó hiểu. Mỹ hành xử như thế thì làm sao Iran có thể tin được Mỹ để đàm phán và ký kết thoả thuận mới. Cho nên Iran chỉ có thể chấp nhận đàm phán có điều kiện với Mỹ trong khi phía Mỹ không muốn và giờ thì không thể chấp nhận những điều kiện kia.

Ông Trump tự đẩy mình vào tình thế khó xử. Quan điểm xưa nay của người này là không chủ trương để cho nước Mỹ tiến hành chiến tranh ở nước ngoài, rút quân đội Mỹ về nước và hạn chế cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác. Khẩu hiệu của ông Trump "Nước Mỹ trước hết" thể hiện nội dung ở đấy. Nhưng bây giờ, ông Trump đẩy leo thang đối đầu và thù địch giữa Mỹ và Iran đến mức vùng Vịnh ngấp nghé bên bờ vực của chiến tranh. Hai bên không những chỉ doạ nhau về quân sự mà còn xúc phạm lẫn nhau khiến cho việc đi vào giảm căng thẳng và đối đầu trở nên không dễ dàng chút nào.

Vì thế, vùng Vịnh hiện là nơi khiến cả thế giới phải lo ngại nhất.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận