Sắp ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU

Hội đồng châu Âu cho biết đã thông qua việc ký kết Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam và việc ký kết sẽ được thực hiện tại Hà Nội ngày 30/6.

Trong thông cáo báo chí đưa ra sáng ngày 25/6 theo giờ Brussels, Hội đồng châu Âu cho biết đã thông qua việc ký kết Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam và việc ký kết sẽ được thực hiện tại Hà Nội ngày 30/6. Uỷ viên phụ trách thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Phụ trách Kinh tế-thương mại Rumania, Stefan-Radu Oprea sẽ có mặt tại Hà Nội để ký kết Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam.

Sau khi thông tin được đưa ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker lập tức lên tiếng hoan nghênh quyết định này và cho biết, sau Hiệp định ký với Singapore, việc EU ký EVFTA sẽ là bước tiến vững chắc cho các cam kết của châu Âu với khu vực Đông Nam Á. Ông Juncker cũng cho rằng, Hiệp định này thể hiện ý chí chính trị của EU và Việt Nam như hai đối tác và hai người bạn phấn đấu vì cùng nhau vì một nền thương mại rộng mở, công bằng và dựa trên luật lệ.

Trong khi đó, Uỷ viên phụ trách thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom nhận định Việt Nam là một thị trường vô cùng năng động với 95 triệu dân và việc EU ký EVFTA với Việt Nam sẽ không chỉ giúp hai bên đẩy mạnh trao đổi thương mại mà còn thúc đẩy nhiều lợi ích khác về môi trường hay quyền của người lao động và việc Việt Nam mới đây phê chuẩn Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là một minh hoạ tuyệt vời về việc thương mại có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn xã hội cao hơn ra sao.

Trong thông cáo của mình,, Hội đồng châu Âu đánh giá, Hiệp định tự do thương mại Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là hiệp định thương mại nhiều tham vọng nhất mà Liên minh châu Âu từng đạt được với một quốc gia đang phát triển. Hiệp định này sẽ loại bỏ đến 99% hàng rào thuế quan đối với hàng hoá hai bên và ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 65% hàng rào thuế với các sản phẩm xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% đối với xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ bị xoả bỏ.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng sẽ gỡ bỏ nhiều hàng rào phi thuế quan khác, mở cửa nhiều lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ bảo vệ tốt hơn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu.

Được đánh giá là hiệp định thương mại “thế hệ mới”, EVFTA cũng bao gồm nhiều điều khoản liên quan đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, tự do hoá đầu tư, phát triển bền vững cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức lao động thế giới (ILO).

Các cuộc đàm phán về EVFTA giữa Việt Nam và EU đã bắt đầu từ tháng 6/2012 và kết thúc vào tháng 12/2015. Đến tháng 5/2017, hai bên thống nhất sẽ tách Hiệp định ban đầu thành hai phần, một là Hiệp định thương mại sẽ chỉ cần sự phê chuẩn và thông qua của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu. Phần còn lại liên quan đến đầu tư sẽ do Nghị viện các quốc gia thành viên EU thông qua.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, với kim ngạch thương mại hàng năm ở mức 50 tỷ euro. Con số này được dự đoán sẽ tăng nhanh chóng sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực./.

Bình luận

    Chưa có bình luận