Triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Paris (SIAE) lần thứ 53, đã được khai mạc tại khu triển lãm Bourget, phía Bắc thủ đô Paris vào sáng ngày 17/6 và sẽ kéo dài đến hết ngày 23/6.
Triển lãm hàng không, vũ trụ lớn nhất thế giới này là cơ hội để các công ty, tập đoàn giới thiệu các sản phẩm và công nghệ mới trong ngành công nghiệp hàng không. Tuy nhiên, triển lãm SIAE năm 2019 diễn ra với 2 lo ngại lớn là vấn đề an toàn hàng không và ô nhiễm môi trường.
Trong vấn đề an toàn hàng không, các sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra với loại máy bay Boeing 737 Max của tập đoàn Boeing (Mỹ) trong thời gian gần đây đang khiến cho loại máy bay này bất động từ nhiều tháng nay và khó có thể được phép cất cánh lại trong năm nay. Từ giữa tháng 3 đến nay, không có một chiếc máy bay 737 Max nào được đặt hàng, dù trước đó Boeing đã nhận được tới 4.700 đơn hàng cho loại này.
Trước đó, vào năm 2013, một loại máy bay khác của Boeing là Boeing 787 (thường được gọi là Dreamliner), cũng gặp sự cố về kỹ thuật và bị cấm bay trong vòng 3 tháng. Cách đây ít ngày, một chiếc Boeing 787-8 Dreamliner khác cũng đã bị hãng hàng không Air Austral của Pháp tạm thời dừng bay (trong vòng 2 tháng kể từ ngày 04/6/2019) vì lỗi động cơ.
Các sự cố đối với các loại máy bay của tập đoàn Boeing thời gian qua sẽ khiến cho các đơn hàng tại Triển lãm hàng không, vũ trụ Paris năm 2019 sụt giảm nghiêm trọng. Sự “vắng mặt” của Boeing 737 Max, loại máy bay vốn đắt hàng của Boieng, sẽ khiến cho sự nhộn nhịp tại Triểm lãm SIAE 2019 bị trùng xuống. Việc Boeing 737 Max bị cấm cất cánh trong thời gian dài đang có các tác động rất tiêu cực đối với toàn bộ chuỗi cung ứng và khả năng một công ty hàng không nào đó đặt hàng Boeing 737 Max trong thời gian này là rất khó hình dung.
Trong lĩnh vực môi trường, vận tải hàng không đang bị coi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường chính trên phạm vi toàn cầu. Thời gian gần đây, các lo ngại về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang đặc biệt được quan tâm, nhất là tại châu Âu. Tại Thụy Điển, một phong trào có tên gọi flygskam (có nghĩa là “xấu hổ khi đi máy bay”) đang giành được sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt. Các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực sinh thái, bảo vệ môi trường đang đấu tranh, buộc chính phủ các nước châu Âu phải áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển bằng máy bay, thay vào đó là di chuyển bằng các phương tiện công cộng khác, chẳng hạn tàu cao tốc.
Tại nước Pháp, nơi diễn ra triển lãm hàng không và vũ trụ Paris lần thứ 53 này, cách đây không lâu, Quốc hội nước này đã bắt đầu xem xét một dự luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó nhiều nghị sĩ Quốc hội đã đề xuất cấm toàn bộ các chuyến bay chặng ngắn vì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia Pháp, máy bay là phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhất, với mức phát thải khí Cacbon đi-ô-xít (CO2) cao gấp hàng chục lần so với các phương tiện giao thông khác. Chẳng hạn, một chuyến bay khứ hồi giữa thủ đô Paris và thành phố Marseille phát thải khoảng 195 kg khí CO2 trên mỗi hành khách, nhưng cùng lộ trình đó nếu di chuyển bằng tàu cao tốc (TGV), thì lượng phát thải khí CO2 chỉ là 4,14 kg trên mỗi hành khách, có nghĩa là thấp hơn khoảng 50 lần so với di chuyển bằng máy bay.
Tuy nhiên, ngành hàng không vũ trụ thế giới chưa có biện pháp cụ thể và khả thi nào để trả lời cho các đòi hỏi nói trên trong lĩnh vực môi trường. Nếu như đối với xe hơi, nhiều chiếc xe điện đã ra đời thay thế cho xe chạy bằng xăng, dầu để hạn chế phát thải khí CO2, thì biện pháp này đối với các loại máy bay là không khả thi. Hiện tại, theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng trọng lượng của các loại ắc quy hay pin, có khả năng cung cấp năng lượng cho một chiếc máy bay chở khách, thậm chí đã vượt quá khả năng chuyên chở của máy bay đó. Tạm thời, các tập đoàn sản xuất máy bay lớn như Boeing và Airbus đều chưa có một giải pháp khả thi nào cho vấn đề này.
Làm sao để giảm thiểu tác động của hoạt động vận tải hàng không đến môi trường đang là vấn đề đau đầu đặt ra cho cho ngành hàng không thế giới. Các tập đoàn hàng không tham gia triển lãm hàng không và vũ trụ Paris lần này có lẽ chưa thể đưa ra được câu trả lời. Trong khi đó, theo dự báo, việc vận tải bằng máy bay sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông hàng không của người dân, vốn được dự báo cũng sẽ tăng gấp đôi trong cùng thời gian này./.
Theo Huỳnh Điệp/VOV.VN