Quan hệ đặc biệt ở thời khó

Bối cảnh tình hình hiện tại làm cho chuyến công du Anh lần này của ông Trump trở nên rất đặc biệt.

 

Đây là lần thứ hai kể từ khi lên cầm quyền ở Mỹ cách đây gần hai năm rưỡi, ông Trump tới thăm nước Anh. Nhưng lần này thì ông Trump mới được toại nguyện đến mức cầu được ước thấy.

Năm ngoái, ông Trump mới chỉ có chuyến thăm làm việc ở Anh. Lần này, ông Trump mới thăm chính thức cấp nhà nước ở Anh, tức là được dành cho những nghi thức lễ tân đón tiếp cao nhất và trọng thị nhất. Cho tới nay, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị của Anh đã tiếp đón cả thảy 12 tổng thống Mỹ nhưng ông Trump mới là người thứ 3 trong số ấy được dành cho quy chế thăm chính thức cấp nhà nước - sau George W. Bush và Barack Obama. Trong khi đó, ông Trump lại là tổng thống Mỹ bị dân chúng phản đối nhiều nhất khi tới thăm Anh.

Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ Nhị mở quốc yến chiêu đãi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump. (Nguồn: PA)Bối cảnh tình hình hiện tại làm cho chuyến công du Anh này của ông Trump trở nên rất đặc biệt. Nước Anh hiện vẫn chưa xử lý xong xuôi việc ra khỏi EU (Brexit) và chẳng ai ở Anh cũng như trong EU dám chắc là khi nào chuyện Brexit mới được xử lý xong và như thế nào. Vì thế, chính trường nước Anh vẫn hỗn độn và nội bộ xã hội nước Anh vẫn bị phân hoá sâu sắc. Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới. Sau khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ hồi cuối tháng 1/2017, bà May là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ đầu tiên trong số các nước châu Âu được ông Trump tiếp đón ở Nhà Trắng. Ở Anh bây giờ cũng là lần cuối cùng hai người này hội đàm với nhau. Chưa biết ai sẽ kế nhiệm bà May và bao giờ. Chưa biết rồi đây nền chính trị ở Anh sẽ như thế nào. Trong bối cảnh tình hình như thế ở Anh thì làm sao có thể có được những thoả thuận hợp tác mới cho thời gian tới giữa Mỹ và Anh. Ấy là còn chưa kể đến việc trước khi đến Anh, ông Trump còn có những phát ngôn khiến phía Anh không thể không coi là can thiệp vào chuyện nội bộ của Anh như công khai ủng hộ cựu bộ trưởng ngoại giao Boris Johnson làm thủ tướng mới ở Anh hay khuyên nhủ nước Anh ra khỏi EU mà chẳng cần thoả thuận gì với EU về tương lai của mối quan hệ giữa Anh và EU.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Anh vốn được coi là truyền thống và đặc biệt với hàm ý tin cậy và gắn bó hơn hẳn mối quan hệ của Mỹ và của Anh với các đồng minh và đối tác chiến lược khác. Nhưng hiện tại lại là thời khó khăn cho mối quan hệ ấy. Ở Anh, ông Trump quả quyết là Mỹ và Anh rồi đây sẽ có được thoả thuận thương mại lớn nhưng chưa biết đến khi nào thì đàm phán về thoả thuận này mới được hai bên bắt đầu vì còn phụ thuộc vào kết cục Brexit như thế nào và khi ấy ai cầm quyền ở cả Mỹ lẫn Anh.

Cho nên đối với ông Trump, điều được coi trọng hàng đầu và nhiều nhất ở chuyến thăm Anh này là được tiếp đón với đầy đủ mọi nghi thức lễ tân cao nhất và trọng thị nhất của đảo quốc.

Phía Anh không phải không biết điều ấy nhưng không để cho tình cảm lấn át lý trí. Xưa nay, đảo quốc này luôn coi trọng và cần mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Sau khi ra khỏi EU rồi thì nước Anh lại cần Mỹ còn hơn trước. Cả hai vẫn ở trong NATO và quan hệ hợp tác về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa hai bên trong các vấn đề chính trị an ninh thời sự của thế giới và ở châu Âu sẽ vẫn như trước. Nhưng về kinh tế và thương mại thì chỉ có Mỹ mới có thể bù đắp lại những tổn hại cho Anh sau khi ra khỏi EU. Nước Anh phải tranh thủ Mỹ chính vì thế, bất kể tổng thống Mỹ là ông Trump hay rồi đây là người khác. Phía Anh có ẩn ý và lợi ích thiết thực ở phía sau chủ ý đón tiếp ông Trump sang thăm vào lúc này và dành đủ hết mọi mức độ và hình thức đón tiếp trọng thị nhất cho ông Trump.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận