Cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ 4. Hàng loạt động thái có liên quan đến cuộc chiến tranh này trong thời gian vừa qua từ phía chính quyền mới ở Mỹ và Nga, từ phía EU, NATO và Ukraine đã khuấy động sự quan tâm sâu rộng của thế giới về khả năng chấm dứt cuộc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Ukraine.
Cú hích mới đây nhất và quyết định nhất là sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ nói chung và đối với Nga nói riêng liên quan trực tiếp đến cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump đã chủ động điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất trí với ông Putin là hai người sẽ sớm gặp nhau, mở đường cho Mỹ và Nga tiếp xúc và thương thảo trực tiếp với nhau về định hình lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, đặc biệt về tìm kiếm giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine. Để khích lệ Nga đồng hành với Mỹ trong tiến trình này, chính quyền mới ở Mỹ đã thuận theo gần hết những điều kiện tiên quyết mà Nga đã đưa ra lâu nay cho hoà bình với Ukraine hoặc cho đàm phán hoà bình với Ukraine. Mỹ và Nga cần thêm thời gian để xây dựng đủ mức độ tin cậy lẫn nhau và nếu sau đấy cứ kiên định tiến trình đã được khởi động thì Mỹ và Nga sẽ cùng nhau tiến tới giải pháp chính trị hoà bình giúp chấm dứt được cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng đấy là giải pháp chính trị hòa bình của Mỹ và Nga cho cuộc chiến ở Ukraine. Nó có được Ukraine, EU và NATO chấp nhận và thực thi hay không lại là chuyện khác.
Sau khi thấy chính quyền mới ở Mỹ điều chỉnh rất cơ bản chính sách đối với Nga, Ukraine và về cách thức chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong EU, NATO và ở châu Âu buộc phải nhận ra rằng ông Trump rất có thể vì nhu cầu muốn có giải pháp chính trị với Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine mà sẵn sàng bất chấp các đồng minh và đối tác ở châu Âu, thậm chí còn cả buông bỏ Ukraine. Tình thế mới xuất hiện này buộc họ phải quyết tâm tự thân vận động để tự chủ về đảm bảo an ninh cho họ và cho Ukraine. Họ đồng thời cũng bắt đầu ý thức được rằng phải thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine và bản thân châu Âu cũng phải đưa ra đề xuất cụ thể cho giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer đã đề xuất và chủ trì những cuộc gặp của một nhóm quốc gia thành viên EU và NATO với sự tham gia của lãnh đạo EU và NATO để tìm kiếm sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để cùng ứng phó chính quyền mới ở Mỹ, để tiếp tục hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga và để cứu vãn tình thế cho kịch bản Mỹ ngừng viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine cũng như phó mặc châu Âu tự giải quyết những vấn đề của châu Âu liên quan đến đảm bảo an ninh cho châu Âu và Ukraine, liên quan đến quan hệ với Nga và cuộc chiến ở Ukraine.
Những toan tính của các nước này hiện tại được thể hiện theo những định hướng chính là tăng cường sức mạnh quân sự chung cho châu Âu, tiếp tục hậu thuẫn Ukraine về chính trị, quân sự và tài chính, tiếp tục gây khó cho Nga trên mọi phương diện, nỗ lực tranh thủ và thuyết phục Mỹ không buông bỏ Ukraine chỉ để cải thiện quan hệ với Nga cũng như chủ động đưa ra ý tưởng nào đấy về giải pháp chính trị hoà bình cho Ukraine.
Một số trong nhóm ấy đã chủ động tăng viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Uỷ ban EU đã đề xuất kế hoạch tái vũ trang châu Âu với số tiền 800 tỷ Euro. Ông Macron đề nghị ngừng chiến trên không, trên biển và không tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong thời gian một tháng. Ông Starmer đưa ra "kế hoạch ba thành tố" cho hòa bình ở Ukraine, bao gồm làm cho Ukraine mạnh đủ mức răn đe Nga, châu Âu đảm bảo an ninh và Mỹ hậu thuẫn.
Tất cả những động thái trên đều rất mới mẻ và là hệ lụy của thời thế mới trên châu lục và trên thế giới. Nhưng chúng đều chưa đủ hoặc chưa thích hợp hay không khả thi trên thực tế để có thể nhanh chóng đem lại hòa bình cho Ukraine, chấm dứt được cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chúng đều không thật sự là những gì Mỹ và Nga đang theo đuổi và muốn có được. Vì thế, hòa bình vẫn còn ở nơi xa vời./.
Sa Thảo