Gần hai tuần trước khi Liên đoàn Ả rập tổ chức cuộc gặp cấp cao bất thường để bàn về tương lai của dải Gaza, 5 trong số 6 quốc gia thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) - Oman không tham dự - cùng với Ai Cập và Jordani đã tụ họp nhau lại ở Ả rập Xê út để thống nhất quan điểm về đề xuất định hướng biện pháp chính sách sẽ cùng nhau đưa ra ở cuộc gặp cấp cao của Liên đoàn Ả rập.
Cả cuộc gặp ở Ả rập Xê út lẫn cuộc gặp cấp cao bất thường của Liên đoàn Ả rập đều trở nên cần thiết và cấp thiết đối với các nước Ả rập trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ý tưởng đẩy hết người Palestine ra khỏi dải Gaza và đặt vùng lãnh thổ này của người Palestine dưới sự kiểm soát và quản lý trực tiếp của Mỹ. Ai cũng biết ý định này trái ngược và vi phạm luật pháp quốc tế hiện hành và gần như không thể khả thi trên thực tế nhưng lại không thể loại trừ được hoàn toàn việc Mỹ và Israel bất chấp tất cả để thực thi nó bằng được.
Các quốc gia Ả rập trong khu vực buộc phải ứng phó kịp thời và thích hợp bởi nếu Mỹ cùng Israel hiện thực hoá ý tưởng này của ông Trump thì hệ luỵ và hậu quả sẽ rất tai hại đối với các quốc gia Ả rập trong khu vực. Khi ấy sẽ gần như không còn triển vọng gì nữa cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại trong hoà bình với nhà nước Israel ở khu vực Trung Đông. Khi ấy, Mỹ sẽ có sự hiện diện vững chắc về chính trị cũng như quân sự và an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trong khi Israel chẳng khác nào như hổ mọc thêm cánh về quân sự. Các quốc gia Ả rập trong khu vực sẽ thêm khó khăn và khó xử với việc tiếp tục ủng hộ Palestine, quan hệ với Mỹ và với Israel.
Cuộc gặp cấp cao vừa qua của 7 quốc gia Ả rập ở Ả rập Xê út không đưa ra tuyên bố chung nhưng xác định ra đối sách kép cho các nước Ả rập. Một mặt, các quốc gia Ả rập cần phải thật sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để ngăn chặn Mỹ và Israel thực hiện việc đẩy người Palestine ra khỏi dải Gaza và đặt dải Gaza dưới sự kiểm soát và quản lý trực tiếp của Mỹ. Sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động này có ý nghĩa quan trọng quyết định đối với các quốc gia Ả rập trong khu vực bởi chiến lược và sách lược xưa nay của Mỹ và Israel vẫn luôn là "đánh tỉa và đánh lẻ", phân rẽ nội bộ thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo. Trong việc này, ba thành viên là Ai Cập, Ả rập Xê út và Jordani đóng vai trò quan trọng nhất và quyết định nhất cũng như GCC trong tư cách là một tập hợp lực lượng và liên kết trong khu vực đóng vai trò quan trọng và quyết định không kém.
Mặt khác, các quốc gia Ả rập trong khu vực phải chủ động đưa ra ý tưởng, kế hoạch và đề xuất riêng cho tương lai của dải Gaza để vô hiệu hoá trên thực tế ý tưởng nói trên của ông Trump và để tranh thủ, vận động sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế phản đối ý định của phía Mỹ về dải Gaza và hậu thuẫn đối sách của các quốc gia Ả rập. Cách tiếp cận ở đây là việc ngăn cản Mỹ và Israel thực hiện ý định của chính quyền mới ở Mỹ phải đi cùng với kế hoạch khả thi về tái thiết dải Gaza sao cho tranh thủ được sự tham gia và viện trợ của Mỹ chứ không lệ thuộc vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Kế hoạch tái thiết này sẽ giúp người Palestine quyết tâm trụ lại ở dải Gaza, phản đối việc bị cưỡng bức phải rời khỏi dải Gaza. Giữ được dải Gaza cho người Palestine cũng có nghĩa là bảo tồn được hy vọng và triển vọng vào thời điểm nào đấy trong tương lai thành lập được nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ ở khu vực Trung Đông.
Đối sách kép này xem ra thức thời nhưng việc thực hiện trên thực tế sẽ không dễ dàng bởi nhiều thành viên của Liên đoàn Ả rập chịu áp lực lớn từ Mỹ và theo đuổi lợi ích riêng trong quan hệ với Israel. Diễn biến tình hình mới lại thách thức và thử thách thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo./.
Sa Thảo