EU bị đòn nhưng thoát hiểm

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa rồi không thể làm cho EU hài lòng nhưng cũng giúp EU có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào.

 

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa rồi không thể làm cho EU hài lòng nhưng cũng lại giúp EU có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào bởi nó không đến mức tệ hại như mọi dự báo trước đấy.

Trước cuộc bầu cử này, mọi dự báo đều theo hướng các đảng phái chính trị lớn, được gọi là các đảng nhân dân truyền thống và tụ tập trong hai liên minh chính ở Nghị viện châu Âu là Đảng Nhân dân châu Âu và Liên minh những người xã hội và dân chủ, sẽ bị mất nhiều phiếu bầu trong khi các đảng phái chính trị với quan điểm bất lợi cho EU, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa sẽ thắng lớn. Kết quả cuộc bầu cử vừa rồi cho thấy đúng là hai liên minh kia bị thua to và lần đầu tiên mất đa số trong Nghị viện châu Âu, nhưng phái bất lợi cho EU đã không thắng lớn. Điều an ủi đối với EU ở kết quả bầu cử này là những lực lượng chính trị trong Nghị viện châu Âu với quan điểm ủng hộ EU vẫn chiếm đa số và phe phái bất lợi với EU kia tuy mạnh thêm lên nhưng không chiếm đa số trong Nghị viện châu Âu mới. Nói theo cách khác, EU tuy bị cú đòn đau, nhưng vẫn thoát hiểm.

EU tránh được kết quả bầu cử tồi tệ nhất chủ yếu nhờ tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao (ảnh: KT)Đảng Xanh và các đảng tự do mới thành lập thắng lợi lớn nhất trong lần bầu cử Nghị viện châu Âu này. Đấy là những đảng phái chính trị ở châu Âu ủng hộ EU nhưng không cùng hội cùng thuyền với hai liên minh nói trên. Phe cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa tuy có cùng quan điểm bất lợi đối với EU nhưng tách biệt nhau trong 3 tập hợp lực lượng khác nhau. Cơ cấu phe phái chính trị trong Nghị viện châu Âu mới bị xé lẻ và phân cực sâu sắc hơn bao giờ hết. Các thể chế hành pháp của EU rồi đây sẽ gặp khó khăn nhiều với Nghị viện châu Âu mới này.

EU tránh được kết quả bầu cử tồi tệ nhất chủ yếu nhờ tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao. Với 51%, tỷ lệ này cao nhất trong 20 năm qua, tức là trong 4 lần bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây nhất. Năm 2014, tỷ lệ này là 43%. Nỗi lo ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, chống EU và bất lợi với EU và mong muốn ngăn cản trào lưu này đã thôi thúc cử tri trong các nước thành viên EU tham gia bầu cử. Một lý do khác nữa khiến cử tri trong EU đi bỏ phiếu đông đảo hơn là sự không hài lòng của họ về chính sách của EU đối với chuyện bảo vệ khí hậu trái đất. Thắng cử lớn của phe các Đảng Xanh cũng có thể được lý giải ở đây. EU bị trừng phạt trong cuộc bầu cử này, nhưng điều tích cực trong đó là dân chúng trong các nước thành viên EU đã chứng tỏ quan tâm nhiều hơn đến EU và đến những chính sách chung của EU.

Việc thủ tướng Anh Theresa May từ chức và chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) vẫn dang dở cũng như cuộc khủng hoảng chính phủ ở Áo xem ra không có tác động lớn gì nhiều tới kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu này.

EU thoát hiểm, nhưng phía trước giờ đã có ngay thách thức mới khi từ phía Nghị viện châu Âu đã lập tức dậy lên đòi hỏi quyền quyết định nhân sự cho những cương vị hành pháp chủ chốt của EU, trước hết và đặc biệt là nhân sự cho cương vị chủ tịch Uỷ ban EU và các thành viên của Uỷ ban EU. Xưa nay, chuyện này do hội đồng các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên EU tự dàn xếp và quyết định với nhau. Bây giờ, Nghị viện châu Âu đòi là phe cánh chính trị nào lớn nhất trong Nghị viện châu Âu có quyền cử người vào cương vị chủ tịch Uỷ ban EU. Cuộc tranh giành quyền lực đã bắt đầu và mỗi lúc thêm quyết liệt mà kết cục cuối cùng hiện chưa thể biết được sẽ như thế nào.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận