Ngay trước thời điểm cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ tư có liên tiếp nhiều động thái tạo cảm nhận và khơi dậy hy vọng sẽ sớm có được hồi kết cho cuộc chiến tranh này. Điều còn chưa rõ là hồi kết ấy như thế nào và đến bao giờ mới có được.
Khởi đầu là cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai người này nhất trí là Mỹ và Nga sẽ thương thảo với nhau ngay lập tức về giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine và họ sẽ sớm gặp nhau, thậm chí còn có thể trao đổi các chuyến thăm chính thức lẫn nhau. Ông Putin đã mời ông Trump sang thăm Nga. Ông Trump không hề tham vấn các đồng minh ở châu Âu và Ukraine về cả hai việc trên. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đề cập xa gần đến việc Ukraine phải chấp nhận bị mất lãnh thổ, cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO là không thực tế và thẳng thừng tuyên bố châu Âu phải tự lo liệu việc đảm bảo an ninh cho châu Âu và Ukraine trong tương lai cũng như tự xử lý quan hệ với Nga. Người này còn khẳng định Mỹ không triển khai quân đội ở Ukraine, không nhìn nhận Nga và Trung Quốc là kẻ thù, lại còn đề cập đến khả năng Mỹ sẽ rút bớt binh lính hiện đồn trú ở châu Âu ra khỏi châu Âu. Còn đặc phái viên của ông Trump về Ukraine Keith Kellogg quả quyết EU không được dành chỗ trong đàm phán giữa Mỹ và Nga về chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chỉ riêng những động thái nói trên thôi cũng đã đủ cho thấy phía Mỹ chủ động đáp ứng gần như hầu hết mọi điều kiện tiên quyết của Nga đặt ra cho việc đi vào hoà đàm với Ukraine. Những điều này không chỉ khác biệt rất cơ bản với quan điểm chính sách của người tiền nhiệm của ông Trump là ông Joe Biden mà còn khiến EU, NATO và Ukraine ngỡ ngàng, bối rối và quan ngại sâu sắc.
Ngày 18/2 vừa qua đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ hơn 3 năm nay. Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergeij Lavrow cùng cố vấn của ông Putin về đối ngoại Juri Ushakov và bộ trưởng ngoại giao Mỹ Marco Rubio cùng cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên của ông Trump về Trung Đông Steve Witkoff đã gặp nhau ở Ả rập Xê út. Cuộc gặp này kéo dài bốn giờ rưỡi và khiến cả hai phía hài lòng, lạc quan cho dù vẫn còn thận trọng. Kết quả cuộc gặp cho thấy Mỹ và Nga đang chủ động và quyết tâm tiến bước rất nhanh trên con đường hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh ở Ukraine và còn nhằm cả tới mục tiêu cao xa hơn nữa là khởi động lại mối quan hệ song phương.
Điều này thể hiện rất rõ ở 4 thoả thuận mang tính nguyên tắc đã đạt được giữa Nga và Mỹ ở cuộc gặp này: Hai bên nhất trí cần phải tái định hình lại quan hệ song phương để xử lý những vấn đề bên này hay bên kia quan tâm; hai bên nhất trí thành lập cơ chế tham vấn lẫn nhau để xử lý những gì còn vướng mắc nhằm nhanh chóng nhằm bình thường hoá trở lại hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao; hai bên thoả thuận cử đoàn cấp cao để trao đổi với nhau về cách thức chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine với giải pháp lâu bền và được tất cả các bên chấp nhận, đặt nền móng cho hợp tác và lợi ích ở thời hậu chiến; và hai bên cam kết có những bước đi thiết thực tiếp theo.
Cuộc gặp này chưa đưa ra thời điểm cụ thể cho cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump nhưng là bước chuẩn bị cần thiết cho sự kiện ấy. Những kết quả nói trên báo hiệu hai người kia rồi đây sẽ sớm gặp nhau và hai nước về cơ bản đã có được sự hiểu biết lẫn nhau đầu tiên về định hướng cho giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Từ tất cả những động thái nói trên mà suy diễn và tiên đoán thì ông Trump và ông Putin sẽ cùng nhau đưa ra một giải pháp khung và sau đó sẽ được cụ thể hoá để triển khai thực hiện. EU, Ukraine và NATO có thể được can dự ở giai đoạn thứ hai này. Nhiều khả năng EU và Ukraine không chấp nhận hoặc không chấp nhận hoàn toàn giải pháp bị áp đặt ấy nên triển vọng hoà bình cho Ukraine hiện vẫn rất không chắc chắn.
Dù vậy, chuyển biến mới trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã đẩy việc tìm kiếm giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine và cả diễn biến tiếp theo của cuộc chiến cũng như triển vọng an ninh cho châu Âu vào bối cảnh tình hình mới./.
Sa Thảo