Cho dù hiện chưa biết kết quả và hiệu ứng cuối cùng như thế nào nhưng điều không thể phủ nhận là Tổng thống Mỹ Donald Trump với những quyết sách trong những ngày cầm quyền đầu tiên đã thể hiện quyết tâm thực hiện những cam kết vận động tranh cử và các tuyên cáo ý định cầm quyền. Việc sử dụng việc áp thuế quan được người này đặc biệt yêu thích và đề cao trong bối cảnh tình hình ấy.
Việc ông Trump sử dụng thuế quan làm một trong những công cụ cầm quyền chính đã có thể thấy được ở nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trước đấy của người này. Khi đó, ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của Canada, Mexico, Trung Quốc và EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tất cả những đối tác thương mại này đều xuất siêu với Mỹ và ông Trump muốn khắc phục tình trạng này - mà ông Trump cho là bất lợi đối với Mỹ - bằng cách áp thuế quan bảo hộ thương mại. Ở thời ấy, thuế quan bảo hộ thương mại của ông Trump kích hoạt xung khắc thương mại giữa Mỹ với các đối tác này. Ông Trump đạt được thoả thuận thương mại mới với Mexico và Canada, đạt được thoả thuận tạm thời với EU và Trung Quốc. Người kế nhiệm ông Trump đóng băng xung khắc thương mại của Mỹ với EU và gia tăng xung khắc thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Trở lại cầm quyền ở Mỹ, ông Trump lại coi thuế quan bảo hộ thương mại là công cụ cầm quyền thần diệu mà mục đích khắc phục tình trạng nhập siêu của Mỹ chỉ là phụ. Mục tiêu chính của ông Trump là dùng thuế quan bảo hộ thương mại để đạt những gì muốn đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ này cả về đối nội lẫn đối ngoại. Thuế quan bảo hộ thương mại của ông Trump khuấy động cả thế giới khi người này nhằm vào tất cả các nước trên thế giới có quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ. Ngay trong những ngày cầm quyền trở lại đầu tiên vừa qua, ông Trump đã quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với Canada, Mexico và Trung Quốc. Sau đấy, người này tuyên bố áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với tất cả các nước trên thế giới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ và lại còn đánh thuế "có đi có lại", tức là Mỹ bị đối tác nào đánh thuế gì thì Mỹ đánh thuế đối tác ấy tương ứng. Đồng thời, ông Trump còn loan báo ý định áp thuế quan bảo hộ đối với tất cả hàng hoá của tất cả các đối tác xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Mạch mưu tính của ông Trump ở đây vẫn là bảo hộ thương mại để bảo hộ các ngành công nghiệp và nông nghiệp cũng như dịch vụ ở bên trong nước Mỹ không đủ sức ganh đua với các đối thủ cạnh tranh ở thế giới bên ngoài và bế quan toả cảng thị trường Mỹ như thế để bảo tồn được chỗ làm việc ở bên trong nước Mỹ, đồng thời buộc diện đối tác nhất định phải đáp ứng những điều kiện chính trị phi thương mại của Mỹ như phải giúp Mỹ giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp, tội phạm, lạm dụng độc dược fentanyl, ngăn cản nhóm Brics thực hiện ý định phi đô la hoá...
Thuế quan bảo hộ thương mại của ông Trump vì thế làm khuấy động cả thế giới. Ông Trump đẩy nước Mỹ vào xung khắc thương mại với nhiều đối tác vì những đối tác này sẽ đáp trả Mỹ tương xứng, sẵn sàng thương thảo với ông Trump để chấm dứt xung khắc thương mại nhưng sẽ không để cho ông Trump lấn lướt, ép buộc. Một khi thấm thía cái giá mà chính mình và nước Mỹ phải trả cho sở thích sử dụng thuế quan bảo hộ thương mại, ông Trump sẽ phải cài số lùi. Những đối tác yếu thế so với Mỹ sẽ dùng cam kết chính trị, kinh tế hay thương mại, đầu tư mới với ông Trump để tránh bị áp thuế. Cũng sẽ có những đối tác ông Trump phải coi là trường hợp ngoại lệ - như Australia chẳng hạn. Mỗi đối tác phải tự tìm cách vô hiệu hoá vũ khí thuế quan này của ông Trump.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, toàn cầu hoá và thương mại tự do tiến triển mạnh mẽ và khó có thể bị đảo ngược. Mỹ không thể tách rời khỏi thế giới và không đủ mạnh và uy về mọi phương diện để có thể tuỳ hứng áp đảo cả thế giới. Thuế quan bảo hộ thương mại tác động trên thực tế như con dao hai lưỡi. Lợi ở trước mắt nhưng không thể tránh khỏi hại về lâu dài. Thuế quan bảo hộ thương mại giúp ông Trump đề cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" nhưng không giúp người này đạt được mục tiêu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Thế giới bên ngoài không lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ và đã chuẩn bị ứng phó mọi quyết sách của ông Trump. Vì thế, ông Trump có thể làm thế giới khuấy động nhưng thế giới không bị khuynh đảo. Người này rồi sẽ tự giảm tông hoặc chờ có cơ hội để giảm tông mà giữ được thể diện, sẽ coi mọi nhượng bộ nhỏ của đối tác là thắng lợi lớn của mình. Thuế quan bảo hộ của ông Trump tác động tiêu cực tới kinh tế và thương mại thế giới nhưng rồi cũng khiến nước Mỹ phải trả giá đắt và phản tác dụng đối với ông Trump./.
Sa Thảo