Những ngôi làng được rao bán với giá 0 đồng ở Italy, hay những trường học phải đóng cửa vì không đủ học sinh theo học ở Nhật Bản. Đó là những hệ lụy khi người dân ở các vùng nông thôn đổ về các thành phố lớn để sinh sống, làm việc, và cũng là bài toán nan giải với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh chung đó, nhiều người sẽ khá ngạc nhiên khi chứng kiến một hiện tượng thú vị ở Trung Quốc khi các con số thống kê cho thấy ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc rời bỏ thành phố, trở về quê hương sinh sống và lập nghiệp, thậm chí có những bạn trẻ ngay từ đầu đã không có ý định chuyển đến các thành phố lớn. Không ít người trong số họ đang tạo ra luồng sinh khí mới cho sự phát triển ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.
Điều gì thúc đẩy người trẻ Trung Quốc về nông thôn lập nghiệp?
Nếu như trước đây, nhiều người Trung Quốc ở nông thôn đã bỏ quê hương để lên thành phố mưu sinh. Hầu hết các gia đình nông thôn đều coi việc theo đuổi giáo dục đại học và sau đó định cư ở khu vực thành thị là lối thoát tốt nhất cho con em mình, nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn để cải thiện cuộc sống. Thì nay, một làn sóng “di cư ngược”, tức người trẻ rời thủ đô và các thành phố lớn để về quê lập nghiệp đã xuất hiện ở nước này. Xu hướng trên không phải mới diễn ra, mà đã có từ vài năm nay, đặc biệt là trong và sau đại dịch.
Sách Xanh theo dõi và đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên tốt nghiệp đại học từ khóa 2018-2022 của công ty tư vấn giáo dục Trung Quốc MyCOS cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ở các địa phương cấp huyện tăng từ 20% với khóa 2018 lên 25% với khóa 2022.
Đối với nhóm sinh viên tốt nghiệp các năm 2016 và 2017, số liệu cho thấy gần 60% sinh viên quay về các thành phố nhỏ hơn để làm việc và đã ở lại đó liên tục trong 5 năm. Trong khi đó, hơn 40% quay trở lại các thành phố nhỏ này để làm việc sau “một thời gian thử đi làm ở nơi khác”.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là kinh tế khó khăn thời kỳ hậu Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, buộc họ phải cắt giảm nhân sự và tiền lương... Làn sóng thất nghiệp trong thanh niên tăng cao. Trung Quốc từng phải tạm ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên sau khi đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023. Sau khi giảm một thời gian, con số này lại tăng trở lại vào tháng 7, lên 17,1% và tăng tiếp lên 18,8% trong tháng 8/2024, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2023.
Cơ hội việc làm ngày càng ít và cạnh tranh khốc liệt khiến giới trẻ cảm thấy áp lực và mệt mỏi nếu tiếp tục bám trụ tại các thành phố lớn. Thay vì loay hoay trong vô vọng ở nơi đô thị và chốn công sở, không ít người trẻ đã thay đổi suy nghĩ, quyết định bỏ phố về quê để tìm một công việc khác cũng như để có một cuộc sống bớt áp lực và được gần gũi với gia đình, thiên nhiên hơn.
Mặt khác, còn một động lực nữa khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc, lựa chọn tìm việc ở các thành phố nhỏ hơn thay vì những nơi thường được ưa chuộng như trung tâm tài chính Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh. Đó là chủ trương khuyến khích của Trung ương và các chính sách thu hút nhân tài của nhiều địa phương, nhằm đưa thanh niên tri thức về hỗ trợ “chấn hưng nông thôn”, phiên bản nông thôn mới 2.0 ở Trung Quốc, sau khi nước này tuyên bố giành “chiến thắng toàn diện” trong cuộc chiến chống đói nghèo vào cuối năm 2020. Nhiều làng quê hiện đại và trù phú dần trở thành điểm đến của các bạn trẻ, trong đó không ít là các du học sinh từng học tập nhiều năm ở nước ngoài.
Người trẻ “bỏ phố về quê” và tác động đến các vùng nông thôn
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc từng chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt khi thanh niên ở nông thôn đổ lên thành phố tìm việc, để lại quê nhà toàn người già và trẻ nhỏ. Thậm chí đến nay những làng quê như vậy vẫn không hiếm.
Tuy nhiên, người trẻ “bỏ phố về quê” đang trở thành xu hướng và đã đem lại một số mặt tích cực cho khu vực này, trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung “chấn hưng nông thôn” và rất muốn thu hút nhân tài trẻ về các vùng quê.
Ngoài việc giúp thanh niên Trung Quốc có được việc làm, làn sóng di cư ngược này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các thành phố nhỏ và nông thôn. Nhà hàng, siêu thị xuất hiện ngày càng nhiều tại đây. Nhiều làng quê còn trở thành những điểm du lịch nổi tiếng sau khi phát triển ngành nghề mới hay được các họa sĩ, nghệ sĩ để mắt nhờ có những thay đổi đáng kể về môi trường và cảnh quan.
Nếu có dịp đến những làng quê ven đô ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, người ta sẽ thấy người nông dân ở đây vẫn trồng lúa, nhưng tất cả đã được chính quyền địa phương bao thầu và giao cho những công ty do thanh niên điều hành. Không chỉ được canh tác bằng hệ thống máy móc với công nghệ hiện đại và quản lý theo mô hình doanh nghiệp, các cánh đồng lúa còn được dùng để phát triển dịch vụ du lịch kết hợp với hình thức nhận chăm sóc của các doanh nghiệp ở thành phố. Với một số tiền nhất định, các doanh nghiệp này vừa có gạo sạch để ăn, vừa có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại và trải nghiệm cho nhân viên trên các mảnh ruộng mình nhận chăm sóc. Trong khi đó, người nông dân giờ đã không còn phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc, mà vẫn có thu nhập ổn định.
Ngoài ra, việc dịch chuyển nguồn nhân lực cũng tạo ra nhiều hoạt động kinh tế sôi động ở vùng nông thôn và đô thị nhỏ, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Giờ đây, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều những “nông dân mới”, tức là các thanh niên có học vấn cao với những ý tưởng cùng kỹ năng mới, về nông thôn lập nghiệp. Họ đang trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội và nông thôn hiện đại, đem lại diện mạo mới cho các vùng quê và tạo nên những ngôi làng tương lai ở Trung Quốc.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh