Ở khoảng cách đó, ánh sáng mà chúng ta thấy ngày nay bắt đầu hành trình của mình không lâu sau khi vũ trụ hình thành.
Nguồn cung cấp nước ở nơi xa xôi này rất lớn, chứa lượng nước tương đương khoảng 140.000 tỷ lần tổng lượng nước trong các đại dương trên Trái Đất cộng lại. Nguồn nước này nằm gần một hố đen siêu nặng có khổi lượng gấp 20 tỷ lần Mặt trời của chúng ta.
Hố đen được bao quanh bởi một chuẩn tinh có tên là APM 08279+5255, nơi phun ra năng lượng tương đương với 1.000 nghìn tỷ Mặt trời. Theo các nhà thiên văn học, chuẩn tinh này chứa hồ nước xa nhất và lớn nhất được biết đến trong vũ trụ.
Matt Bradford, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực của NASA ở Pasadena, California, dẫn đầu một trong những nhóm tham gia vào các quan sát cho biết: "Môi trường quanh chuẩn tinh này rất độc đáo ở chỗ nó tạo ra lượng nước khổng lồ. Đây là một minh chứng khác cho thấy nước có mặt ở khắp vũ trụ, ngay cả trong giai đoạn đầu hình thành".
Cả nhóm của Bradford và một nhóm các nhà thiên văn học khác đã nghiên cứu APM 08279+5255 và hố đen của nó - nằm ở trung tâm và hút vật chất vào bên trong.
Các chuẩn tinh lần đầu tiên được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỷ khi kính thiên văn phát hiện ra các nguồn sáng mạnh khó hiểu ở những vùng không gian xa xôi.
Những vật thể này không giống bất kỳ ngôi sao thông thường nào. Chúng tỏa sáng rực rỡ từ trung tâm của các thiên hà xa xôi, sáng hơn tất cả những ngôi sao trong thiên hà của chúng cộng lại.
Ở trung tâm của chúng tà các hố đen siêu nặng, nặng hơn Mặt trời của chúng ta hàng triệu hoặc hàng tỷ lần. Khi bụi và khí xoáy về phía một trong những hố đen này, vật chất đang xoáy đó nóng lên và giải phóng năng lượng.
Việc quan sát chuẩn tinh giúp các nhà thiên văn học hiểu được vũ trụ trông như thế nào từ rất lâu trước đây vì ánh sáng mà chúng ta thấy ngày nay đã bắt đầu hành trình của nó từ hàng tỷ năm trước.
Chuẩn tinh có thể cho thấy cách các thiên hà hình thành, cách vật chất lan rộng và cách các cấu trúc ra đời sớm nhất trong vũ trụ đã kết hợp lại với nhau như thế nào. Chúng thậm chí có thể giúp lập bản đồ sự phân bố vật chất giữa các thiên hà, chiếu sáng các vùng mà nếu không có nó thì sẽ không quan sát được. Một số chuẩn tinh cũng phóng ra các luồng hạt tốc độ cao, trải dài trên khoảng cách rất xa. Các luồng này có thể ảnh hưởng đến cách các ngôi sao hình thành và toàn bộ các vùng lân cận của vật chất vũ trụ.
Các nhà thiên văn học đã quan sát thấy hơi nước hiện diện ở môi trường của chuẩn tinh này. Nó chiếm một vùng trải dài hàng trăm năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học cũng phát hiện ra các phân tử khác, như CO, cho thấy có rất nhiều nguyên liệu thô có thể nuôi dưỡng hố đen khi nó tiếp tục phát triển. Họ ước tính rằng có đủ khí để hố đen tăng kích thước lên khoảng 6 lần, mặc dù điều gì thực sự xảy ra tiếp theo vẫn chưa chắc chắn.
Một số khí này có thể hình thành các ngôi sao mới, trong khi một số có thể bị ném ra ngoài không gian. Dù bằng cách nào, những phép đo này cũng mở cánh cửa để xem xét các điều kiện khi vũ trụ vẫn còn trẻ./.
Theo VOV.VN