Lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã khiến Hàn Quốc trải qua những giờ rối ren, hỗn loạn, gây ra các cuộc biểu tình bên ngoài quốc hội. Một số nhà lập pháp cố gắng vượt qua các bức tường của tòa nhà Quốc hội và chỉ trích gay gắt Tổng thống Yoon Suk Yeol, cho rằng ông đã” làm gián đoạn nền dân chủ của đất nước”.
Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu nhất trí chặn sắc lệnh của tổng thống, tuyên bố động thái này là vô hiệu, nhưng thiết quân luật vẫn có hiệu lực. Ngày 4/12, ông Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ dỡ bỏ thiết quân luật và rút quân. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân sau đó cho biết, lực lượng quân đội được triển khai đã trở về đơn vị của họ.
Lãnh đạo đảng cầm quyền Quyền lực Nhân dân (PPP) cho biết đảng này "xin lỗi người dân", đồng thời cho rằng "tổng thống phải trực tiếp giải thích kỹ lưỡng về tình hình rối ren", còn “những người kêu gọi ban bố sắc lệnh thiết quân luật phải chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập đã tiến xa hơn, yêu cầu ông Yoon Suk Yeol "từ chức ngay lập tức".
Tại sao Hàn Quốc lại ban bố thiết quân luật?
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, việc ban bố sắc lệnh thiết quân luật là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, nhưng một số nhà phân tích cho rằng động thái này dường như cũng mang tính chính trị.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Yoon Suk Yeol đã nói về "các lực lượng chống nhà nước" và cho rằng, thiết quân luật là điều cần thiết để loại bỏ nhanh chóng các lực lượng này nhằm ổn định đất nước. Ông chỉ trích các chính trị gia đối lập của đất nước, cho rằng những nhân vật này đã làm hỏng chương trình nghị sự của ông.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol đã sụt giảm mạnh xuống mức kỷ lục 17% kể từ khi ông lên nắm quyền. Ông Yoon Suk Yeol nắm giữ chức vụ cao nhất của đất nước nhưng đảng của ông lại không chiếm được thế đa số tại quốc hội. Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ của ông đã thua trước Đảng Dân chủ đối lập trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4. Trong cuộc bầu cử này, đảng đối lập đã giành được 175 trong số 300 ghế tại Quốc hội.
Tuần trước, phe đối lập chiếm đa số trong quốc hội đã bỏ phiếu cắt giảm gần 3 tỷ USD trong ngân sách năm 2025 mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra làm suy yếu các kế hoạch của ông. Phe này cũng cố gắng luận tội ba công tố viên hàng đầu của đất nước và cáo buộc ông Yoon Suk Yeol liên quan đến một số vụ bê bối, trong đó có vụ vợ của ông bị phát hiện dính dáng tới một vụ thao túng giá cổ phiếu.
Ngay cả khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đảo ngược quyết định về thiết quân luật, ông vẫn tiếp tục chỉ trích những người mà ông cho là cản trở chương trình nghị sự của ông. Trong bài phát biểu sau đó, ông Yoon Suk Yeol yêu cầu Quốc hội "ngay lập tức dừng các hành động liều lĩnh làm tê liệt các chức năng của nhà nước thông qua việc luận tội, thao túng lập pháp và thao túng ngân sách".
Sắc lệnh thiết quân luật được thực hiện như thế nào?
Sắc lệnh này đình chỉ các hoạt động của chính phủ cũng như các đảng phái chính trị, đình chỉ hoạt động của quốc hội và các hội đồng địa phương, cấm các cuộc đình công tại Hàn Quốc. Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu đặt tất cả các phương tiện truyền thông và nhà xuất bản dưới sự kiểm soát của quân đội. Các điều khoản của lệnh thiết quân luật cũng cho phép đình chỉ một số quyền tự do dân sự. Bất kỳ ai vi phạm các quy định đều có thể bị bắt giữ mà không cần ban hành lệnh bắt giữ.
Ngay sau khi sắc lệnh được ban bố, quân đội, cảnh sát được triển khai trên các đường phố ở Seoul. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật kể từ năm 1987. Lần gần đây nhất, Hàn Quốc ban bố thiết quân luật là vào năm 1979 sau vụ ám sát tổng thống. Trước đó, đã có nhiều trường hợp tương tự.
Phản ứng gay gắt trước quyết định của Tổng thống Hàn Quốc
Hàn Quốc là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại quốc gia này có khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú. Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg, cho biết Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao nước này "đang theo dõi chặt chẽ tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol", đồng thời nói thêm "tình hình đang thay đổi".
Quyết định của ông Yoon Suk Yeol đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ. Nhiều thành viên của đảng cầm quyền PPP đã hối thúc tổng thống nhanh chóng dỡ bỏ sắc lệnh. Ông Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng này cho biết việc áp đặt thiết quân luật là "sai", còn lãnh đạo phe đối lập chính của Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung cho rằng động thái này là “vi hiến”.
Vào sáng thứ 4/12 (theo giờ địa phương), ông Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật và rút các đơn vị quân đội đang thực thi sắc lệnh này. Tuy nhiên, tình trạng rối ren do quyết định ban đầu gây ra có thể vẫn còn kéo dài trong một thời gian.
Giá trị của đồng won Hàn Quốc so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Ngoài ra, cổ phiếu của một số công ty Hàn Quốc như Coupang, KB Financial Group và POSCO Holdings đã giảm khi sắc lệnh thiết quân luật có hiệu lực.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Business Insider