Lệnh ngừng bắn ở Lebanon - 'tia hy vọng đầu tiên' trong cuộc xung đột Trung Đông?

Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thư ký LHQ đánh giá đây có thể là 'tia hy vọng đầu tiên' trong cuộc xung đột tại khu vực sau nhiều tháng leo thang

 

Thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon có hiệu lực từ ngày 27/11 được đánh giá là sẽ giúp mở ra hy vọng về một động thái tương tự tại Dải Gaza, bắt đầu cho một khu vực Trung Đông ổn định hơn. Tuy nhiên, giới phân tích lại bày tỏ sự không lạc quan rằng thỏa thuận kéo dài 60 ngày này sẽ được duy trì và một động thái tương tự ở Gaza.

Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 27/11 đánh giá đây có thể là “tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột tại khu vực sau nhiều tháng leo thang.

“Tôi đã nhận được một dấu hiệu tốt lành, tôi muốn nói rằng đó là tia hy vọng đầu tiên về hòa bình mà tôi nhận được giữa bóng tối của vài tháng qua. Đó là thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến Lebanon và là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với thường dân, những người dân đang phải trả giá rất đắt cho thực tế là cuộc xung đột này không chỉ kéo dài mà còn ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn”, Tống thư ký Guterres nói.

Lệnh ngứng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon chính thức có hiệu lực từ ngày 27/11/2024. (Ảnh: Getty)Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau cuộc họp với Ngoại trưởng các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đưa ra kỳ vọng của chính quyền Mỹ về thỏa thuận này sẽ mở ra một trạng thái tương tự ở Gaza.

“Thỏa thuận sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cứu sống và sinh kế ở Lebanon và Israel, cũng như tạo ra các điều kiện cho phép mọi người trở về nhà an toàn ở miền bắc Israel và miền nam Lebanon. Tôi cũng tin rằng bằng cách giảm căng thẳng trong khu vực, nó cũng có thể giúp chúng ta chấm dứt xung đột ở Gaza. Đặc biệt, Hamas sẽ biết rằng họ không thể trông chờ vào các mặt trận khác mở ra trong cuộc chiến”, ông Blinken nhấn mạnh.

Trong khi đó, giới phân tích tỏ ra thận trọng về việc thực thi thỏa thuận. Trả lời báo giới, giáo sư địa chính trị Cedomir Nestorovic tại cơ sở châu Á - Thái Bình Dương của Trường Kinh doanh ESSEC cho rằng cả Israel và Hezbollah đều “nóng lòng giải quyết thỏa thuận” trước khi tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Nestorovic cũng lưu ý đến việc thiếu một ủy ban quốc tế hoặc giám sát viên quốc tế để theo dõi lệnh ngừng bắn này.

“Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể mong đợi lệnh ngừng bắn được duy trì. Tôi tin rằng cả hai bên đều có lợi ích rất lớn trong việc duy trì lệnh ngừng bắn vào lúc này. Có thể trong tương lai, 2 bên sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát lệnh ngừng bắn”, ông Nestorovic cho hay.

Tuy nhiên theo giới phân tích, việc có 1 thỏa thuận tương tự tại Gaza sẽ “khó khăn hơn nhiều” so với thoả thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah, đặc biệt là nếu các quốc gia tiếp tục rút khỏi quá trình đàm phán. Vào đầu tháng 11 này, Qatar, quốc gia trung gian quan trọng tuyên bố sẽ tạm ngừng vai trò của mình cho đến khi cả hai bên thể hiện “sự sẵn sàng và nghiêm túc”. Các cuộc đàm phán đã liên tục thất bại kể từ khi một lệnh ngừng bắn tạm thời sụp đổ sau một tuần vào tháng 11/2023.

Hoàng Nguyễn/VOV1
Tổng hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận