Đằng sau vụ gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Đây không phải là hình thức gian lận mới mà cách trục lợi từ hệ thống thuế giá trị gia tăng vốn đã tồn tại ở châu Âu từ nhiều thập kỷ qua.

 

Các điều tra viên của châu Âu vừa triệt phá một đường dây tội phạm có liên quan đến gian lận thuế giá trị gia tăng (VAT) ở châu Âu và tịch thu hàng hóa trị giá tới hơn 520 triệu euro (gần 550 triệu USD) liên quan đến các băng nhóm tội phạm ở Tây Ban Nha, Luxembourg, Cộng hòa Séc, Slovakia, Croatia, Bulgari, Cộng hòa Síp, Hà Lan, Thụy Sĩ…

Theo thông báo của cảnh sát châu Âu, vụ gian lận thuế VAT xuyên quốc gia vừa bị phát hiện liên quan đến khoảng 400 công ty ở nhiều quốc gia. Đây không phải là hình thức gian lận mới mà cách trục lợi từ hệ thống thuế giá trị gia tăng vốn đã tồn tại ở châu Âu từ nhiều thập kỷ qua. Trên thực tế, hình thức gian lận này còn tinh vi hơn, nhất là khi các nhóm tội phạm lợi dụng việc buôn bán các sản phẩm vô hình hoặc hữu hình như các sản phẩm công nghệ thông tin hay thiết bị điện tử. Bằng cách mở nhiều công ty ở các quốc gia thành viên thuộc EU, các nhóm tội phạm có thể tạo ra nhiều đơn hàng ảo giao dịch giữa những công ty này. Các công ty mua hàng sẽ liên tục bán sang tay rồi biến mất. Còn các công ty cung cấp sản phẩm sẽ được nước sở tại hoàn lại thuế VAT. Trước khi cơ quan quản lý thuế của các quốc gia khác nhau phát hiện ra hành vi lừa dối, các công ty lừa đảo đã biến mất và số tiền liên quan đến VAT đã được “tẩu tán”. Như vậy, với số vốn bỏ ra gần như bằng 0, các nhóm tội phạm có thể thu về một mức lợi nhuận khổng lồ.

Theo EPPO, vụ án gian lận thuế VAT lần này ở mức độ phức tạp với quy mô chưa từng có. (Ảnh: Sud Ouest)Phía Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) báo cáo, 160 cuộc khám xét đã được tiến hành trên khắp Italy cũng như ở Tây Ban Nha, Luxembourg, Cộng hòa Séc, Slovakia, Croatia, Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Hà Lan và Thụy Sĩ.Tổng cộng hơn 195 nghi phạm dính lứu đến 400 công ty đang bị điều tra. EPPO cũng ban hành lệnh thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) để bồi thường thiệt hại cho các quốc gia bị gian lận thuế. Chỉ riêng ở Italy, 129 tài khoản ngân hàng đã bị phong tỏa và 192 tổ hợp bất động sản cùng 44 ô tô và thuyền đắt tiền bị tịch thu.

Theo EPPO, đây là một vụ án có mức độ phức tạp với quy mô chưa từng có. Các nghi phạm hiện phải đối mặt với các cáo buộc tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm mafia gồm nhóm mang tên Camorra ở thành phố Naples (Italy) và nhóm Cosa Nostra ở đảo Sicily (miền Nam Italy) thông qua việc kiếm lời từ việc gian lận thuế VAT.

Trên thực tế, tình hình trốn thuế ở Italy là rất phức tạp. Trong báo cáo mới nhất của mình, Trung tâm nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội Italy (Eurispes) cho biết số tiền mà người dân nước này trốn thuế hàng năm thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi lên tới 540 tỷ euro, tương đương với gần 30% GDP.Đại đa số các khoản trốn thuế có liên quan đến các hình thức lao động không khai báo như trông trẻ, giáo viên dạy tư, lao động tự chủ tại gia, phục vụ, làm vườn, thợ điện, thợ mộc… Ngoài ra, các tổn hại liên quan đến các hoạt động phi pháp trung bình của nhiều hệ thống mafia cũng lên tới 200 tỷ euro mỗi năm.

Cảnh sát châu Âu đã xác nhận sự tham gia của chính nhân viên các doanh nghiệp - còn gọi là “cổ cồn trắng”. Thông qua các thủ đoạn tinh vi, các nhóm tội phạm chuyên nghiệp cùng đội ngũ “cổ cồn trắng” khiến công tác giám sát hay điều tra trở nên phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức. Chưa kể với hệ thống số hóa, việc thu hồi các “tài sản” thất thoát trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này như một liều thuốc kích thích tạo nên “động cơ” phạm pháp của các nhân viên doanh nghiệp.

Giới chức châu Âu liên tục ban hành các văn bản pháp lý mới hoàn thiện hệ thống luật pháp để đối phó với các hình thức gian lận ngày càng tinh vi cũng như đẩy mạnh công tác giám sát các hoạt động của các công ty “nhạy cảm”. Giờ đây, tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả các tổ chức phi lợi nhuận hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đều phải tuân hành nghiêm chỉnh các yêu cầu mới về việc khai báo tài chính và thuế quan. Đây được coi là một bước tiến lớn của châu Âu trong công cuộc chống tham nhũng, rửa tiền và gian lận thuế./.

Anh Tuấn/VOV-Paris

 

Bình luận

    Chưa có bình luận