Vai trò của Ấn Độ trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu

  • 19/06/2024 06:49:40
  • ​​​​​​​Dũng Hoàng
  • Thế giới
  • 0

Là một quốc gia Nam Á có quy mô sản xuất dược phẩm lớn hàng đầu thế giới, Ấn Độ đóng vai trò như thế nào trong Liên minh dược phẩm sinh học vừa mới thành lập?

 

Là một quốc gia Nam Á có quy mô sản xuất dược phẩm lớn hàng đầu thế giới, Ấn Độ sẽ đóng vai trò như thế nào trong Liên minh dược phẩm sinh học vừa mới thành lập?

Từ nhiều năm qua, Ấn Độ đã được coi là một trung tâm sản xuất dược phẩm lớn, đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng các sản phẩm dược. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp vaccine giá rẻ lớn nhất thế giới, đóng góp tới 60% sản lượng vaccine toàn cầu, chiếm 70% nhu cầu của WHO về vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà (DPT) và lao (BCG); 90% nhu cầu của WHO về vaccine sởi. Quốc gia này cũng là nhà cung cấp thuốc gốc lớn nhất thế giới, chiếm 20% thị phần cung ứng toàn cầu theo khối lượng. Ấn Độ cũng có số lượng nhà máy Dược phẩm tuân thủ tiêu chuẩn FDA của Mỹ cao nhất bên ngoài nước Mỹ và là nơi có hơn 3.000 công ty dược phẩm với mạng lưới hơn 10.500 cơ sở sản xuất vững mạnh cũng như nguồn nhân lực có tay nghề cao. Tại đây có 500 nhà sản xuất dược chất (API) đóng góp khoảng 8% trong ngành này của thế giới. Tiếp cận phương pháp điều trị HIV giá cả phải chăng từ Ấn Độ là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất trong y học. Trong đại dịch Covid-19, Ấn Độ đảm bảo vật tư y tế và cung cấp vaccine cho hơn 100 quốc gia.

Ảnh minh họa: KTTheo số liệu của chính phủ Ấn Độ, ngành dược phẩm nước này hiện có giá trị khoảng 50 tỷ USD, với hơn 25 tỷ USD doanh thu từ việc xuất khẩu thuốc. Dự kiến, quy mô thị trường dược phẩm của Ấn Độ sẽ đạt 65 tỷ USD trong năm 2024 và gần 130 tỷ USD vào năm 2030.

Đầu tháng 6/2024, Ấn Độ cùng với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) thành lập Liên minh Dược phẩm sinh học, với mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng dược phẩm sinh học bền vững, đáng tin cậy, để không bị phụ thuộc vào nguồn dược liệu và các sản phẩm y học của Trung Quốc.

Với tư cách một nước bạn bè “đồng chí hướng”, cùng năng lực đặc biệt trong ngành dược của mình, Ấn Độ sẽ có thể đóng một vai trò quan trọng trong Liên minh này, nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững, có sức chống chịu với các gián đoạn toàn cầu. Ấn Độ cũng sẽ góp phần phối hợp chính sách sinh học, quy định và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo rằng việc sản xuất các nguyên liệu và thành phần thiết yếu được đa dạng hóa và không tập trung quá nhiều ở một số khu vực nhất định.

Ngành công nghiệp dược phẩm sinh học của Ấn Độ đang ở vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục cất cánh. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia khác vẫn phải đối mặt với những vấn đề nội tại. Đầu tiên có thể kể đến là việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong ngành. Tuân thủ tiêu chuẩn và quy định chất lượng quốc tế là yếu tố then chốt để sản phẩm dược phẩm được chấp nhận rộng rãi. Năm 2019 chứng kiến 239 cuộc kiểm tra tại các nhà máy Ấn Độ được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, phản ánh nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là cơ sở vật chất và thiết bị. Tuy nhiên, việc có duy trì được các cam kết như vậy trong thời gian dài, với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng hay không, vẫn là điều cần đánh giá thêm. Ấn Độ đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ để ngăn chặn việc thu hồi sản phẩm và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng.

Cùng với đó, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ luôn là một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp dược phẩm. Tìm kiếm sự cân bằng giữa việc cung cấp các sản phẩm thuốc với giá cả phải chăng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ đầy thách thức. Bởi các bằng sáng chế dược phẩm hầu hết đều nằm trong tay một số ít công ty dược phương Tây, việc chia sẻ các bí kíp này đòi hỏi các quy trình rất khắt khe và thậm chí là chia sẻ lợi nhuận. Ấn Độ đang nỗ lực giải quyết các thách thức của ngành công nghiệp dược phẩm bằng cách áp dụng chính sách, đầu tư nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ tài chính, phát triển hạ tầng và hợp tác quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ giúp Ấn Độ vượt qua thách thức mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai./.

Dũng Hoàng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận