Gặp cấp cao ba bên ở Đông Bắc Á

Sau hơn 4 năm, khuôn khổ diễn đàn gặp cấp cao ba bên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản mới được phục hồi.

 

Sau hơn 4 năm, khuôn khổ diễn đàn gặp cấp cao ba bên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản mới được phục hồi. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tới Hàn Quốc để cùng gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Cả ba đều là người mới ở khuôn khổ diễn đàn này. Ở lần gặp cấp cao ba bên gần nhất trước đấy vào tháng 12/2019, đại diện cho Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, cho Nhật Bản là Thủ tướng Shinzo Abe và cho Hàn Quốc là Tổng thống Moon Jae-in. Phía Trung Quốc đã ngần ngừ trong thời gian dài rồi mới chấp nhận lại gặp cấp cao ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cũng chính vì thế mà thế giới bên ngoài không khỏi có phần ngỡ ngàng khi ông Lý Cường đánh giá rất cao việc khôi phục hoạt động thường niên của khuôn khổ diễn đàn này, thậm chí lại còn coi đấy là bước ngoặt đối với cơ chế gặp gỡ và đối thoại cấp cao này.

Nhìn vào những gì được thể hiện trong bản tuyên bố chung được công bố sau khi cuộc gặp kết thúc có thể thấy rất rõ ba bên đồng tình gạt những điểm bất đồng sang bên và chỉ tập trung vào những nội dung mà họ đạt được sự đồng thuận quan điểm cao. Không bên nào có ý định làm cho bên nào bị khó xử bởi quan điểm riêng bất đồng với quan điểm của bên khác về chủ đề nội dung nào đấy.

Việc ba bên không đề cập gì đến vấn đề Đài Loan là nhượng bộ lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc cho Trung Quốc trong khi việc Trung Quốc ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lại là nhượng bộ lớn của Trung Quốc cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Phía Triều Tiên gần như ngay lập tức phản đối rất mạnh mẽ sự đồng thuận quan điểm của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Phản ứng như thế của Triều Tiên rất hiếm hoi từ trước đến nay bởi Trung Quốc vốn là đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Triều Tiên. Trên những lĩnh vực hợp tác khác, cuộc gặp cấp cao ba bên này thật sự đã đưa lại động lực mới hoặc sự khởi đầu mới. Ba bên tuyên bố sẽ nối lại đàm phán về việc hình thành khu vực mậu dịch tự do chung, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên lĩnh vực tăng trưởng bền vững, y tế và chăm sóc sức khoẻ, khoa học và công nghệ cũng như ứng phó thảm họa.

Sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy khuôn khổ diễn đàn này tập trung chủ yếu và trước hết vào các mối quan hệ hợp tác song phương và ba bên về kinh tế, thương mại và đầu tư trong khi không đề cập gì nhiều đến các vấn đề chính trị thời sự của thế giới.

Từ trái sang: Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Kyodo)

Nhưng chính chuyện chính trị thời sự thế giới lại đóng vai trò rất quyết định đối với sự khôi phục hoạt động của khuôn khổ diễn đàn này. Triều Tiên liên tục phóng tên lửa các loại. Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và lớn thứ hai của Nhật Bản. Nhật Bản và Hàn Quốc không những chỉ đã tăng cường liên minh quân sự với Mỹ mà còn đã cùng Mỹ thành lập liên minh an ninh ba bên để cùng đối phó Trung Quốc cả ở khu vực Đông Bắc Á lẫn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhật Bản và Hàn Quốc đã gần như bình thường hóa lại hoàn toàn mối quan hệ song phương.

Trong bối cảnh tình hình như thế, bên này có nhu cầu và lợi ích về phân rẽ nội bộ bên kia y hệt như bên kia. Trung Quốc muốn phân rẽ Nhật Bản và Hàn Quốc với Mỹ trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc vừa muốn tranh thủ Trung Quốc để cùng đối phó Triều Tiên vừa muốn phân rẽ Trung Quốc với Nga để Trung Quốc không hậu thuẫn Nga về tài chính và quân sự tiến hành cuộc chiến tranh ở Ukraine và giúp Nga lách qua những tác động tiêu cực của các biện pháp chính sách của phe phương Tây trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Cuộc gặp này thành công đối với cả ba bên ở chỗ chẳng ai được hết những gì muốn đạt được nhưng cũng đạt được nhiều trong số những gì muốn đạt được./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận