Xung khắc thương mại thời tranh cử

Cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gay gắt hơn, và mối quan hệ sẽ có vị thế ngày càng tăng trong cuộc tranh cử giữa ông Biden và ông Trump.

 

Ngày 14/5 vừa qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn trở nên thêm căng thẳng và trắc trở khi tăng mạnh mẽ mức thuế quan đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc chắc chắn không chịu ngồi yên mà sẽ phản ứng bằng trả đũa tương xứng. Động thái mới này của Mỹ không gây bất ngờ đối với cả Trung Quốc lẫn thế giới bên ngoài bởi trong suốt thời gian khá dài trước đấy, phía Mỹ đã nhiều lần đề cập trực tiếp với Trung Quốc về quan ngại sâu sắc của Mỹ đối với nguy cơ hàng hóa xuất khẩu giá rẻ của Mỹ ngập tràn thị trường Mỹ. Mỹ coi đấy là chủ trương và hành động của Trung Quốc bù trợ hàng xuất khẩu và thương mại không công bằng.

Phía Mỹ cho biết tổng giá trị đợt tăng thuế quan áp vào hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc là 18 tỷ USD. Mức thuế cao nhất được Mỹ áp cho xe điện các loại của Trung Quốc, lên tới 102,5%. Mức thuế áp cho các mặt hàng khác của Trung Quốc như điện tử, bán dẫn, pin mặt trời, thép, nhôm... đều tăng đến mức từ 25 - 50%.

ảnh minh họa: KT

Có hai điều đáng được chú ý ở biện pháp chính sách thương mại mới này của ông Biden đối với Trung Quốc. Thứ nhất, ông Biden tung ra chiêu này vào thời điểm không đầy nửa năm trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ. Đối thủ chính trị của ông Biden là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thuộc phe Đảng Cộng hòa, người đã bị ông Biden đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây bốn năm. Trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay, các chủ đề đối ngoại rất hiếm khi đóng vai trò quyết định ở cuộc vận động tranh cử hay đối với kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Đối với cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ lẽ ra cũng sẽ như vậy nếu như không xảy ra cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông giữa Hamas và Israel. Làn sóng và tâm lý dư luận phản đối việc ông Biden nhẹ tay với cách thức Israel tiến hành cuộc chiến tranh này đã sôi động đến mức bắt đầu gây bất lợi cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Biden. Tình thế đó xem ra đang buộc người này phải gây dựng và thể hiện hình ảnh là người hành động quyết liệt và năng động về đối ngoại để cứu vớt và để dư luận ở Mỹ không chỉ tập trung hoàn toàn vào chính sách và hành động của ông Biden về Israel và cuộc chiến tranh hiện tại giữa Israel và Hamas. Đồng thời qua đó, ông Biden chủ ý kiểm soát các chủ đề đối ngoại, không để xảy ra tình huống lại có chủ đề nội dung đối ngoại nào đấy đe dọa triển vọng tái đắc cử tổng thống. Thứ hai, không phải ông Biden mà ông Trump mới là người đã khởi xướng cuộc xung khắc thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Biden đã dành thời gian 3 năm rưỡi trong thời gian 4 năm của nhiệm kỳ cầm quyền để xem xét lại chính sách thương mại của ông Trump đối với Trung Quốc rồi mới đi đến những quyết sách mới nói trên. So với những gì ông Trump đã làm khi còn cầm quyền thì mức thuế quan bây giờ ông Biden áp cho hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đã cao hơn rất nhiều nhưng lại vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với những gì mà ông Trump dự định sẽ làm đối với Trung Quốc nếu trở lại cầm quyền ở Mỹ. Có thể thấy ở đây chủ ý của ông Biden là thể hiện sự khác biệt rõ ràng với người tiền nhiệm về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, quyết liệt như ông Trump nhưng thực tế chứ không cực đoan như ông Trump cũng như cầm quyền phải khác với vận động tranh cử.

Trung Quốc giờ bị đẩy vào tình thế phải nhanh chóng phản ứng và không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải trả đũa Mỹ thích đáng. Cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gay gắt hơn và mối quan hệ song phương này sẽ thêm trắc trở. Đồng thời, cuộc xung khắc thương mại ấy nói riêng và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung sẽ có vị thế ngày càng tăng trong cuộc tranh cử giữa ông Biden và ông Trump./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận