Thành nơi phụ, bại chỗ chính

Riêng ông Pompeo và ông Bolton cùng nhau công du khu vực Trung Đông và vùng Vịnh đủ để thấy chính quyền Mỹ coi trọng hoạt động ngoại giao này.

 

Chỉ riêng việc cả Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cùng nhau công du 9 đối tác trong 8 ngày ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cũng đã đủ để thấy chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump coi trọng hoạt động ngoại giao này như thế nào.

Hai người kia đến Jordani, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ả rập Xê út, Oman, Qatar và Kuweit. Sau đó, ông Bolton tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chương trình nghị sự của họ là thương thảo với tất cả những đối tác nói trên về 4 vấn đề lớn cũng còn được coi như là 4 "cuộc khủng hoảng" hiện tại ở khu vực này: chuyện Mỹ rút quân khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ dự định tấn công quân sự vào lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở vùng lãnh thổ miền bắc Syria, chuyện Mỹ cùng các đồng minh quân sự trong khu vực đối phó Iran, chuyện Ả rập Xê út cùng một số nước khác trong khu vực thành lập liên quân tiếp tục cô lập, cấm vận và đối đầu Qatar và chuyện Ả rập Xê út sau vụ việc chủ mưu sát hại nhà báo Jamal Koshaggi có liên quan trực tiếp đến thái tử vương triều này Mohammad bin Salman. Trong tất cả những chủ đề nội dung ấy, cuộc thương thảo với Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ và các đồng minh kia quan tâm đến nhiều nhất và cũng khó khăn nhất. Nó được coi là trọng tâm chính của chuyến đi này của cặp Pompeo/Bolton.

Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi. Ảnh: Reuters

Củng cố liên quân đối phó Iran là chuyện dễ dàng đối với ông Pompeo và ông Bolton. Mỹ đối địch Iran đã đành. Các đồng minh kia cũng thù địch Iran không kém và lại còn muốn dùng việc kiên định không đội trời chung với Iran để tranh thủ Mỹ và níu kéo Mỹ tiếp tục can thiệp chính trị và quân sự sâu rộng vào khu vực. Không có Mỹ, tất cả số ấy đều không phải là đối thủ quân sự của Iran. Xử lý quan hệ với Ả rập Xê út sau vụ việc nhà báo kia bị sát hại cũng không khó khăn nhiều đối với hai vị sứ giả của Mỹ. Ông Trump vốn không có chủ ý làm găng Ả rập Xê út, nếu như không muốn nói là thậm chí còn bao che cho vương triều này. Khó khăn hơn nhiều là xử lý cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar. Không thể coi hai người kia đã có sứ mệnh thành công trên phương diện này khi rời đi mà cuộc khủng hoảng vẫn nguyên mức độ gay cấn và bế tắc giải pháp như trước khi họ đến.

Khó khăn nhất đối với họ là những cuộc trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ. Những phát biểu trước đó của ông Pompeo và ông Bolton liên quan đến việc Mỹ rút quân ra khỏi Syria khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tức giận đến mức dùng đến nhiều ngôn từ rất nặng nề để bác bỏ, phê phán Mỹ và huỷ cuộc tiếp ông Bolton. Cũng chính vì thế mà dư luận cho rằng chuyến công du này của hai vị kia đã thất bại.

Bản chất câu chuyện phức tạp chứ không đơn giản và mấu chốt ở chỗ những phát ngôn của cặp Pompeo/Bolton liên quan đến quyết định của ông Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria bị phía Thổ Nhĩ Kỳ hiểu là rất mâu thuẫn với chủ ý của ông Trump. Vấn đề ở chỗ Mỹ ủng hộ YPG ở Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn tiêu diệt hoặc ít nhất thì cũng vô hiệu hoá YPG. Một khi quân đội Mỹ - mà chỉ có 2.000 thôi - rút khỏi Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể thẳng tay tấn công YPG mà không còn ngại xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với quân đội Mỹ ở vùng lãnh thổ miền bắc Syria. Ông Trump tuyên bố rút quân đội Mỹ đi mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết gì trong khi hai cộng sự kia của ông Trump lại đặt điều kiện là Thổ Nhĩ Kỳ phải đảm bảo an ninh cho YPG và người Kurd cũng như lộ ý kéo dài vô định lộ trình thời gian Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria. Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm không hài lòng về Mỹ khi thấy hai người này xoa dịu lo ngại của các đồng minh bằng cách khẳng định không buồn bỏ lực lượng YPG ở Syria. Cho nên sau chuyến đi này của họ, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm trắc trở và Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm quyết tâm tấn công quân sự vào YPG. Thành công ở chuyện phụ của ông Pompeo và ông Bolton vì thế thật chẳng bõ bèn gì so với thất bại trong sứ mệnh chính của chuyến đi.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận