Brexit - Chính phủ thất thế

Việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) tiếp tục làm chính trường nước Anh sôi động và hỗn loạn mà càng sôi động và hỗn loạn thì lại càng không biết được kết cục cuối

 

Theo luật pháp của EU thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 29/3 tới. Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị EU kéo dài thời hạn này sau khi quốc hội Anh hai lần bác bỏ thoả thuận mà bà May đã đạt được với EU về xử lý mọi chuyện liên quan đến Brexit và uỷ quyền cho bà May đề nghị EU gia hạn thêm thời gian xử lý Brexit. EU đưa ra cho chính phủ và quốc hội Anh hai sự lựa chọn là ngày 12/4 hoặc 22/5 tới.

Cả hai thời điểm này đều liên quan đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được tổ chức từ ngày 23/5 đến 26/5/2019. Tối hậu thư này của EU hàm ý nếu nước Anh ra khỏi EU trước ngày 22/5 thì sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu này còn nếu muốn có thêm thời gian nữa, tức là cả sau ngày 23/5 tới thì nước Anh phải tham gia vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay. Thời điểm ngày 12/4 kia được đưa ra vì chậm nhất đến thời điểm ấy ở nước Anh phải hoàn tất mọi công việc chuẩn bị về kỹ thuật cho việc tham gia vào cuộc bẩu cử Nghị viện châu Âu. Cụ thể ở đây là điều kiện của EU: Nếu Brexit mà không với bất kỳ thoả thuận nào với EU về khuôn khổ quan hệ giữa EU và nước Anh trong tương lai thì nước Anh sẽ ra khỏi EU chậm nhất tới ngày 12/4 tới, còn nếu Brexit với thoả thuận nói trên với EU thì nước Anh sẽ ra khỏi EU ngày 22/5 và không tham gia vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Ở nước Anh, quốc hội bác bỏ thoả thuận mà bà May đã đạt được với EU về Brexit nhưng cũng bác bỏ phương án Brexit mà không đạt được thoả thuận gì với EU. Bà May bất lực và bế tắc chính vì thế, đặc biệt từ sau khi chủ tịch quốc hội John Bercow không đồng ý cho bà May đưa thoả thuận đã bị quốc hội bác bỏ ra thông qua một lần nữa trong quốc hội.

Trong bối cảnh tình hình ấy, quốc hội Anh còn tiến thêm một bước nữa khiến chính phủ càng thêm bị thất thế và vị thế cầm quyền của bà May càng thêm bị lung lay. Quốc hội Anh sẽ tiến hành biểu quyết về những khả năng lựa chọn cho Brexit. Tuy kết quả cuộc biểu quyết này không có hiệu lực ràng buộc đối với chính phủ và bà May nhưng nó cho thấy là sự lựa chọn nào cho Brexit hiện có thể nhận về được sự ủng hộ của đa số dân biểu trong quốc hội - điều mà bà May không thể bỏ qua và EU hiện đặc biệt coi trọng.

Theo đó, gần như mọi kịch bản có thể có được cho Brexit đều được đưa ra biểu quyết và sắp xếp kết quả biểu quyết theo thứ tự ưu tiên: Brexit mà không có thoả thuận với EU và thời điểm là ngày 12/4 tới, Brexit với thoả thuận đã đạt được với EU và thời điểm là ngày 22/5 tới, Brexit với thoả thuận mới với EU và như thế sẽ vào thời điểm sau ngày 22/5 tới, nước Anh rút lại đề nghị ra khỏi EU - tức là không có Brexit nữa, nước Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit và nước Anh tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn để có quốc hội mới phán quyết về Brexit.

Động thái này của quốc hội Anh cho thấy phía lập pháp đã giành về quyền dẫn dắt quá trình thực hiện Brexit từ tay chính phủ và bà May. Bà May lại bị thêm một thất bại chính trị nặng nề mới nữa. Nhưng động thái này từ phía quốc hội Anh cũng chưa thể đảm bảo là việc xử lý chuyện Brexit từ nay được đưa vào quỹ đạo. Một khi chính trường và xã hội vẫn còn bị phân hoá sâu sắc đến như thế về Brexit thì rất ít khả năng có kịch bản nào trong số những kịch bản trên kia giành về được đa số cần phải có trong quốc hội. Kết cục cuối cùng của Brexit vì thế vẫn là câu hỏi hiện chưa được trả lời. Điều chắc chắn duy nhất là nước Anh chưa ra khỏi EU ngày 29/3 tới.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận