Thỏa thuận cho thời quá độ

Chuyến xuất ngoại vừa rồi của tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij pha trộn giữa thành công và không thành công.

 

Chuyến xuất ngoại vừa rồi của tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij pha trộn giữa thành công và không thành công. Ông Selenskij tới Đức và Pháp, sau đó tham dự Hội nghị An ninh Munich thường niên năm nay ở thành phố Munich, bang Bavaria của nước Đức. Vào dịp này, Đức và Pháp ký kết với Ukraine Hiệp ước an ninh song phương như trước đấy Anh và Ukraine đã ký kết được với nhau. Đấy là những thành quả quan trọng đối với Ukraine đến mức ông Selenskij phải công khai dành cho chúng ý nghĩa lịch sử. Nhưng sự tham dự Hội nghị An ninh Munich năm nay lại không được thành công như ông Selenskij mong đợi. Ở đó, tất cả các chính khách và lãnh đạo các nước trong khối phương Tây, đặc biệt là phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đều khẳng định đi khẳng định lại sự ủng hộ về chính trị, quân sự và tài chính để Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện dai dẳng ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, sự ủng hộ ấy đều dừng lại ở các tuyên bố và phát biểu chung chung, chưa ở dạng tiền tươi thóc thật đối với Ukraine trong khi cái mà Ukraine hiện cần đến cấp thiết nhất là vũ khí hiện đại và đạn dược, máy bay tiêm kích và không người lái, pháo binh hạng nặng và tên lửa tầm xa. Thành phố Avdiivka của Ukraine mới bị thất thủ có một trong những nguyên nhân chính là quân đội Ukraine thiếu đạn dược và không có máy bay, pháo binh và tên lửa để vô hiệu hoá mọi ưu thế trên không của quân đội Nga.

Hơn nữa, cũng ở sự kiện này thể hiện rõ những dấu hiệu về tâm lý chung ở các nước đồng minh của Ukraine là suy giảm dần mức độ sẵn sàng tiếp tục hậu thuẫn Ukraine nhiều hơn nữa và lâu hơn nữa. Họ vẫn tiếp tục hậu thuẫn Ukraine nhưng bắt đầu mong muốn nhanh chóng tìm kiếm sự chấm dứt cuộc chiến tranh này để không còn tiếp tục bị buộc phải đổ tiền của và vũ khí của họ vào Ukraine.

Hệ lụy của tình trạng tâm lý này bất lợi cho Ukraine ở chỗ những đồng minh kia rồi sẽ gây và gia tăng áp lực đối với Ukraine để ép Ukraine đi vào giải pháp chính trị với Nga mà đương nhiên không thể theo được hết mọi điều kiện tiên quyết của Ukraine. Trong tình cảnh như thế thì thử hỏi ông Selenskij làm sao có thể hài lòng được.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Mỹ hồi tháng 9/2023. (Ảnh: NYTimes)Nhưng bù lại là hai hiệp ước an ninh ký kết giữa Ukraine với Đức và Pháp. Giống như Anh, Đức và Pháp chính thức trở thành đồng minh quân sự và an ninh của Ukraine. Hiệp ước này là sự đảm bảo của các nước kia về trợ giúp Ukraine không những chỉ để chiến tranh đến cùng với Nga mà còn cả trong những lần Ukraine bị bên ngoài gây chiến trong tương lai. Sự trợ giúp dừng lại ở trợ giúp chứ không bao gồm cả cam kết bảo hộ an ninh cho Ukraine. Cả ba đồng minh này không thể cam kết bảo hộ an ninh cho Ukraine như các thành viên NATO cam kết với nhau vì bản thân đâu có đủ năng lực trên thực tế để bảo hộ được an ninh cho Ukraine cả ở hiện tại lẫn trong tương lai.

Anh, Đức và Pháp đều là thành viên của nhóm G7. Nhóm này đã quyết định từng thành viên ký kết hiệp ước an ninh với Ukraine vì NATO chưa thể thu nạp được Ukraine. Một khi đã trở thành thành viên chính thức của NATO, Ukraine tự khắc nhận được sự bảo hộ an ninh của NATO. Những thỏa thuận an ninh song phương này được chủ ý gây dựng cho thời kỳ quá độ giữa hiện tại và thời điểm Ukraine đứng trong hàng ngũ các thành viên NATO. Qua đó, Ukraine nhận được viện trợ tài chính và quân sự cho những khoảng thời gian nhất định trong tương lai. Ukraine tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn chính trị từ các đồng minh này. Tất cả những hiệp ước an ninh như thế không thay thế được mức độ trợ giúp của Mỹ nhưng vẫn quan trọng đối với Ukraine vì mức độ trợ giúp của Mỹ sẽ chỉ giảm chứ không tăng và nếu ông Donald Trump trở lại trị vì nước Mỹ thì sự trợ giúp của Mỹ cho Ukraine sẽ càng thêm khó khăn, càng thêm mất thời gian. Ukraine sẽ càng phải dựa và lệ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh ở châu Âu. Thời quá độ càng kéo dài thì các đồng minh châu Âu này càng thêm quan trọng đối với Ukraine./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận