EU định hình lại chiến lược đối với Trung Quốc

Mục tiêu của những khuyến nghị mới này của Uỷ ban EU là hài hoà hoá nhu cầu hợp tác với Trung Quốc và kiềm chế Trung Quốc.

 

Trước thềm cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay giữa EU và Trung Quốc, Uỷ ban EU đã đưa ra những đánh giá mới về Trung Quốc và những khuyến nghị mới về định hướng cho chiến lược của EU đối với Trung Quốc trong thời gian tới.

Năm 2016, EU đã thông qua "Chiến lược đối với Trung Quốc" và giữa hai bên đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Văn kiện chính sách mới nói trên của Uỷ ban EU dựa trên cả chiến lược của EU năm 2016 đối với Trung Quốc lẫn thoả thuận về mối quan hệ đối tác chiến lược song phương cũng như một thoả thuận khác nữa với tên gọi là Chương trình hợp tác chiến lược giữa EU và Trung Quốc cho tới năm 2020.

Khác biệt lớn nhất và cơ bản nhất giữa định hướng chiến lược lâu nay và khuyến nghị mới của Uỷ ban EU là đánh giá lại Trung Quốc. Trong văn kiện chính sách mới kia, Uỷ ban EU không còn coi Trung Quốc là đối tác "để hợp tác và giải quyết bất đồng bằng đối thoại một cách xây dựng" mà nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, hoàn toàn không còn là một nước đang phát triển nữa mà là một nền kinh tế phát triển với tiềm năng và tham vọng vươn lên chiếm giữ vị trí hàng đầu thế giới trong tương lai về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao. Mục tiêu của những khuyến nghị mới này của Uỷ ban EU là hài hoà hoá nhu cầu hợp tác với Trung Quốc và kiềm chế Trung Quốc. Trong nhìn nhận của EU, Trung Quốc là đối tác quá quan trọng nên không thể tranh thủ và bỏ qua được, đồng thời lại quá nguy hiểm nên không thể không đối phó và kiềm chế. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng thứ 2 của EU, chỉ sau Mỹ trong khi EU là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc.

Với những khuyến nghị mới về định hướng chiến lược này, Uỷ ban EU muốn gây dựng sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ về Trung Quốc và phối hợp hành động trong xử lý quan hệ giữa EU với Trung Quốc nói chung và giữa các thành viên của EU với Trung Quốc nói riêng. Ủy ban EU cho rằng phải có được sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ và phối hợp hành động giữa các thành viên về Trung Quốc thì EU mới có thể đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra trong quan hệ với Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu gặp gỡ Thủ tướng Lý Khắc Cường (ảnh internet)Hiện tại, Trung Quốc khá thành công với việc phân hoá nội bộ các thành viên EU với nhau. Bằng chứng rõ nét nhất là trong khi EU rất ngần ngại, thậm chí còn cả chống đối dự án lớn Một vành đai, một con đường của Trung Quốc thì không ít thành viên EU đã ký kết thoả thuận tham gia với Trung Quốc. Ở lần cấp cao thường niên này giữa EU và Trung Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  công du châu Âu để tham dự. Nhưng ngay sau đó, ông Tập Cận Bình tới thăm Italy và ở Italy dịp đó sẽ có việc Italy ký kết thoả thuận về tham gia dự án lớn kia của Trung Quốc. Hay như EU lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư trực tiếp vào một số thành viên EU mà EU đồ rằng với mục tiêu dần thâu tóm và chi phối kinh tế EU. Trong những khuyến nghị mới của Uỷ ban EU vì thế có khuyến nghị EU và các thành viên thận trọng hơn trong hợp tác và tiếp nhận vốn đầu tư của Trung Quốc, nhấn mạnh những rủi ro về an ninh từ đó chứ không phải đề cao những lợi ích từ đó trước hết.

Trong văn kiện chính sách mới nói trên, Uỷ ban EU đưa ra 10 khuyến nghị hành động cụ thể với nội dung là nên thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trên những phương diện nào và cần phải đề phòng cũng như đối phó Trung Quốc trong những chuyện gì. Văn kiện này cho thấy phía EU đã nhìn nhận ra vấn đề nhưng thật sự vẫn chưa có được giải pháp lâu bền cho những vấn đề ấy trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc nên khuyến nghị vẫn chưa hết manh mún, lẻ mẻ và mâu thuẫn lẫn nhau.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận