Trong những ngày vừa qua, tình hình an ninh hàng hải ở vùng Biển Đỏ và trên biển Ấn Độ Dương trở thành chuyện chính trị an ninh thời sự trên thế giới.
Trên biển Ấn Độ Dương, Mỹ cáo buộc Iran dùng thiết bị bay không người lái tấn công vào một tàu vận tải biển. Phía Iran đương nhiên bác bỏ những cáo buộc này. Cho tới nay, vụ việc tàu thuyền vận tải qua lại trên biển Ấn Độ Dương bị tấn công bằng tên lửa hay thiết bị bay không người lái mới chỉ xảy ra một lần, nhưng chỉ như vậy thôi cũng đủ để khiến thế giới phải lưu tâm và quan ngại.
Hiện chưa biết thủ phạm tiến hành vụ tấn công này là ai nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã bị ảnh hưởng tiêu cực mà mối quan hệ song phương này lại có tác động trực tiếp tới tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi, động chạm trực tiếp tới chính trị an ninh thế giới nói chung.
Ở vùng Biển Đỏ, chuyện an ninh hàng hải còn nổi cộm hơn và phức tạp hơn. Từ sau khi bùng phát lần chiến tranh mới giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza, lực lượng phiến quân người Houthi ở Yemen tiến hành nhiều lần phóng tên lửa vào Israel, tấn công các tàu thuyền vận tải của Israel hay của các nước hậu thuẫn Israel đi lại qua vùng Biển Đỏ cập cảng hay rời cảng của Israel. Phiến quân người Houthi ở Yemen thậm chí còn dùng cả tên lửa tấn công tàu chiến của Mỹ, dùng máy bay trực thăng đổ quân bắt cóc tàu thuyền đi lại qua vùng Biển Đỏ. Lực lượng phiến quân người Houthi công khai thách thức Israel, Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn Israel trong lần chiến tranh hiện tại giữa Israel và Hamas nói riêng và trong cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine nói chung để thể hiện và khẳng định phe phiến quân người Houthi ở Yemen luôn sát cánh với Hamas và Palestine.
An ninh hàng hải ở vùng Biển Đỏ và cả ở trên biển Ấn Độ Dương vì thế đã trở thành một hệ lụy trực tiếp của lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel. Mỹ ý thức được mức độ tai hại của hệ lụy này đối với Mỹ, Israel và phe các nước phương Tây ở thời điểm hiện tại cũng như về lâu dài nên đã xúc tiến thành lập liên minh quân sự với sự tham gia của gần 20 nước trên thế giới để đảm bảo tự do đi lại cho tàu thuyền ở vùng Biển Đỏ.
Tuyến vận tải hàng hải đi qua vùng Biển Đỏ có tầm quan trọng rất to lớn đối với kinh tế và thương mại thế giới. Ước tính khoảng từ 12 - 15% hàng hoá, sản phẩm giao dịch trong thương mại thế giới được vận chuyển hàng năm qua tuyến đường biển này. Mỹ dùng việc đảm bảo an ninh hàng hải ở nơi đây để làm khẩu hiệu tập hợp lực lượng quân sự nhằm không để cho phe phiến quân người Houthi ở Yemen mở mặt trận mới chiến tranh với Mỹ và Israel, đồng thời hậu thuẫn Hamas ở Dải Gaza. Đương nhiên, Mỹ cùng với Israel và các nước trong khối phương Tây cũng cáo buộc Iran đứng sau những hoạt động quân sự và mưu tính chính trị này của phe phiến quân người Houthi ở Yemen. Cũng không khó để có thể nhận thấy phía phiến quân người Houthi ở Yemen khuấy động chuyện an ninh hàng hải ở vùng Biển Đỏ để phô trương tiềm lực quân sự, tranh thủ sự đồng tình của bộ phận dân chúng ở Yemen cũng như trong thế giới Ả rập vốn vẫn luôn ủng hộ Palestine.
Kể cả sau khi Mỹ thành lập được liên minh quân sự nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở vùng Biển Đỏ, vấn đề an ninh hàng hải ở nơi đây vẫn chưa được giải quyết mà mất an ninh hàng hải vẫn luôn tiềm ẩn. Tình trạng này càng kéo dài thì liên minh quân sự do Mỹ thành lập càng dễ tan rã, đơn giản bởi sẽ rất tốn kém về tài chính và tiềm lực quân sự đối với các bên tham gia liên minh. Điều khiến phe này không thể không quan ngại sâu sắc là hệ lụy tương tự của cuộc chiến giữa Hamas và Israel rất có thể sẽ đến ở cả những vùng biển khác nữa trên thế giới buộc họ phải tốn thêm công của để ứng phó./.
Hoàng Lan